Tiếng Việt | English

05/06/2018 - 10:22

Chung tay bảo vệ môi trường nông thôn

Xác định môi trường (MT) là tiêu chí khó và thiếu bền vững, sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các xã tích cực huy động sức mạnh tổng hợp trong việc giữ vững và nâng chất tiêu chí này.

Người dân xã Thanh Phú, huyện Bến Lức tự giác xuống đường nhặt rác. Ảnh: Thanh Mỹ

Người dân xã Thanh Phú, huyện Bến Lức tự giác xuống đường nhặt rác. Ảnh: Thanh Mỹ

Trách nhiệm không của riêng ai

Xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014. Tuy nhiên, MT là tiêu chí thiếu bền vững vì người dân còn vứt rác bừa bãi, sử dụng phân động vật chưa qua xử lý để bón cho cây thanh long, gây ô nhiễm. Nhằm nâng cao nhận thức của người dân, bên cạnh việc thực hiện nhiều mô hình bảo vệ MT, xã kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm.

“Được tuyên truyền, người dân ý thức hơn trong bảo vệ MT, thu gom rác thải, hạn chế sử dụng phân chưa qua xử lý để bón cho thanh long. Các đoàn thể còn vận động người dân trồng hoa, cây xanh 2 bên đường tạo bóng mát và cảnh quan” - ông Trần Văn Hai, ngụ xã Dương Xuân Hội, chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND xã Dương Xuân Hội - Đỗ Phúc Hậu, nhờ kiên quyết trong xử lý nên hạn chế được tình trạng người dân sử dụng phân chưa qua xử lý bón cho thanh long. Từ đầu năm 2018 đến nay, không xảy ra trường hợp vi phạm. Xác định đây là tiêu chí thiếu bền vững nên xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ MT”.

Người dân xã Thanh Phú, huyện Bến Lức tự giác xuống đường nhặt rác

Việc bảo vệ MT không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương, cá nhân hay tập thể mà là của cả cộng đồng. Nhận thức được điều này, nhiều năm qua, người dân xã Thanh Phú, huyện Bến Lức chung tay thu gom rác thải, tự trang bị thùng rác, trồng cây xanh,... và thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ MT. Xã vận động người dân thực hiện mô hình nhặt rác trên các tuyến đường, thu hút nhiều người tham gia, trong đó có 115 thành viên nòng cốt. Các thành viên tự góp quỹ, đầu tư quần áo, nón, giày, cây gắp rác, bao đựng,... và tiến hành thu gom rác ở các tuyến đường, khu dân cư, trường học.

Chủ tịch UBND xã Thanh Phú - Đặng Cửu Long cho biết: “Những khu vực xa khu dân cư, xã hướng dẫn người dân đào hố xử lý rác sinh hoạt; vận động các chủ nhà trọ tự trang bị thùng đựng rác, tránh vứt rác bừa bãi. Trên các tuyến đường, xã đều đặt thùng rác và trồng cây xanh. Hiện, toàn xã trồng hơn 1.500 cây xanh, bố trí khoảng 500 thùng rác (người dân tự trang bị khoảng 200 thùng). Thời gian tới, xã tiếp tục duy trì các mô hình và nghiên cứu thêm các giải pháp mới nhằm củng cố, nâng chất tiêu chí này”.

Huyện Cần Giuộc thực hiện mô hình lò đốt rác hộ gia đình để giảm lượng rác thải và tránh ô nhiễm môi trường (Trong ảnh: Lò đốt rác của gia đình ông Đặng Phước Thượng, ấp Trong, xã Phước Hậu, đưa vào sử dụng gần 1 tháng)

Huyện Cần Giuộc thực hiện mô hình lò đốt rác hộ gia đình để giảm lượng rác thải và tránh ô nhiễm môi trường (Trong ảnh: Lò đốt rác của gia đình ông Đặng Phước Thượng, ấp Trong, xã Phước Hậu, đưa vào sử dụng gần 1 tháng)

Nêu cao vai trò của người dân

Tại xã nông thôn mới Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, bảo vệ MT luôn được chính quyền và người dân quan tâm. Ông Đặng Phước Thượng, ngụ ấp Trong, chia sẻ: “Nhiều năm qua, gia đình tôi luôn có ý thức trong việc bảo vệ MT. Người dân tích cực tham gia trồng cây xanh, thu gom rác, xây dựng lò đốt rác để xử lý rác thải sinh hoạt”.

Chủ tịch UBND xã Phước Hậu - Võ Phú Quốc cho rằng: “Người dân đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ MT. Nhằm huy động sức mạnh tập thể trong xây dựng và bảo vệ MT, địa phương tổ chức nhiều việc làm cụ thể: Vận động người dân trồng hơn 2.000 cây xanh trên các tuyến đường; thực hiện phân loại rác tại nguồn; xây dựng các hố tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật,... Hiện, xã áp dụng mô hình xây dựng lò đốt rác tại hộ gia đình theo sự hướng dẫn của ngành chuyên môn. Lò đốt rác bước đầu phát huy hiệu quả, hạn chế được lượng rác thải sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm. Bước đầu, có 40 hộ tham gia mô hình, thời gian tới sẽ nhân rộng ra các hộ khác”.

Xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc trồng hơn 2.000 cây xanh trên các tuyến đường, tạo cảnh quan môi trường (ảnh chụp tại đường Hủ Tíu)

Xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc trồng hơn 2.000 cây xanh trên các tuyến đường, tạo cảnh quan môi trường (ảnh chụp tại đường Hủ Tíu)

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cần Giuộc - Dương Văn Tuấn Kiệt thông tin: “Góp phần bảo vệ MT, huyện thực hiện nhiều mô hình: Trồng cây xanh, phát quang, vệ sinh các tuyến đường, xây hố thu gom rác thải. Đặc biệt, huyện đang thực hiện mô hình xây dựng lò đốt rác tại hộ gia đình nhằm hạn chế lượng rác thải và nâng cao vai trò của người dân trong việc bảo vệ MT. Ngoài thực hiện các mô hình, huyện còn tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nguồn. Hiện nay, hầu hết trên các trục đường chính, khu dân cư đều được trồng cây xanh tạo bóng mát và cảnh quan”./.

"Môi trường tại các địa phương ngày càng được cải thiện, ý thức của người dân nâng cao, nhất là tại các xã nông thôn mới. Ngành phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ và xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Bên cạnh đó, sở thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh và xử lýcác trường hợp vi phạm về môi trường”.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết