Tiếng Việt | English

10/04/2016 - 14:39

Chung tay chống hạn, mặn

Thời gian qua, do nắng nóng kéo dài và gió chướng thổi mạnh nên độ mặn xâm nhập sâu vào các kênh nội đồng tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Long An. Theo dự báo của các ngành chức năng, hạn, mặn sẽ còn kéo dài và gay gắt.

Đến nay, tổng diện tích lúa bị thiệt hại do hạn, mặn là 6.587ha (trong đó, 4.199,4ha thiệt hại hơn 70%; 2.387,6ha bị giảm năng suất từ 30-70%). 3.313,97ha có khả năng sẽ bị thiếu nước tưới; trong đó, huyện Thủ Thừa 495,97ha, Bến Lức 125ha, Tân Trụ 600ha, TP.Tân An 120ha, Thạnh Hóa 1.973ha. Ước tổng thiệt hại 118,7 tỉ đồng.


Dùng cơ giới vào việc làm bờ chắn nhằm chống hạn, mặn (Trong ảnh: Công trình bờ chắn Rạch Gỗ, ấp 1, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa đang được thi công)

Mặn - diễn biến phức tạp

Hiện nay, độ mặn trên các tuyến sông: Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông (VCĐ), Vàm Cỏ Tây (VCT), Sông Tra giảm nhẹ từ 0,40-3,80g/l so với những ngày trước (riêng đoạn từ kênh Sa Bà đến kênh Chính Ba Sa, huyện Đức Hòa tăng từ 0,3-0,60g/l), đoạn từ cống Cầu Vàm đến cống Kỳ Son, huyện Châu Thành tăng từ 0,3-0,40g/l; Sông Tra tăng 1,40g/l.

Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam: Lân cận Cầu Nổi (Vàm Cỏ) không có nước ngọt trong suốt mùa khô. Sông VCT, độ mặn cuối tháng 3, đầu tháng 4 ranh 4g/l có thể vượt qua cống Bắc Đông từ 7-10km (nếu có gió chướng). Từ ngày 12, 13, 14-4 đến ngày 23, 24, 25-4, phía trên Tân An có thể lấy nước (độ mặn thấp) lúc chân triều thấp, và có khả năng ngọt kéo dài đến cuối tháng 4. Sông VCĐ, độ mặn cuối tháng 3, đầu tháng 4 ranh 4g/l có thể vượt qua cầu An Hạ (nếu có gió chướng).

Tại Bến Lức, khó có nước ngọt cho đến hết tháng 4. Phía trên Bến Lức (15-20km), từ ngày 12, 13, 14-4 đến ngày 23, 24, 25-4, có thể xuất hiện nước ngọt cùng kỳ với tại Tân An. Khu vực 2 sông Vàm Cỏ biến động phức tạp, độ mặn có khả năng tăng cao trong tháng 5 nếu không có mưa.

Tình hình năm 2016, mặn có khả năng xâm nhập sâu như năm 2005: Trên sông VCT, độ mặn 2g/l lên đến thị xã Kiến Tường - cách sông Soài Rạp khoảng 170km, thời gian mặn duy trì 29 ngày, kéo dài đến 30-5. Trên sông VCĐ, độ mặn 2g/l lên đến Xuân Khánh - cách sông Soài Rạp khoảng 120km, thời gian mặn duy trì 69 ngày, kéo dài đến ngày 10-6.


Công trình bờ chắn Rạch Gỗ, ấp 1, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa đang được thi công

Chung tay chống hạn, mặn

Tại huyện Thạnh Hóa, độ mặn cao nhất vào ngày 6-4 đo tại ngã ba Tuyên Nhơn, xã Thủy Tây là 1,3g/l, cầu Vàm Lớn (xã Thuận Nghĩa Hòa) khoảng 0,8g/l. Những xã nằm cặp theo sông VCT, Quốc lộ 62 là những địa phương bị hạn, mặn nhiều nhất.

Tại đây, người dân và chính quyền địa phương cùng tích cực chống hạn, mặn. Ông Phạm Tấn Sung, ngụ ấp 1, xã Tân Đông chia sẻ: “Năm nay hạn, mặn dữ quá! Nhưng cũng may là tôi làm theo lịch thời vụ nên không bị thiệt hại nhiều, chỉ có khoảng 5 công bị ảnh hưởng thôi. Gia đình làm khoảng 3ha lúa. Tôi cùng nhiều người dân trong ấp tích cực nạo vét kênh nội đồng, đắp đê bao ngăn chặn, tranh thủ lúc độ mặn giảm xuống, bơm nước vào ruộng để làm vụ Hè Thu. Hy vọng vụ mùa tới sẽ đạt năng suất cao, bù lại vụ vừa rồi”.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện tiến hành rà soát xây dựng các tuyến kênh nhằm bảo đảm lưu lượng nước phục vụ sản xuất, khai thác, vận hành công trình hợp lý, bảo đảm cung cấp nước phục vụ sản xuất, xây dựng kế hoạch vận hành công trình theo từng thời điểm, gia cố các hệ thống đê bao, chuẩn bị phương tiện, máy bơm, nhiên liệu sẵn sàng bảo đảm công tác ngăn mặn, trữ nước; phòng, chống cháy rừng. Xây dựng kế hoạch đầu tư trạm bơm điện tập trung với những diện tích có đê bao khép kín. Tuyên truyền cho người dân thực hiện việc gieo sạ đúng lịch thời vụ, sử dụng giống ngắn ngày, vận động người dân nạo vét kênh mương nội đồng, tổ chức đắp đập, tạm trữ nước ở đầu các tuyến kênh để ngăn mặn và trữ ngọt. Tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật chăm sóc lúa, rau màu, các loại cây trồng khác trong điều kiện thời tiết không thuận lợi như hiện nay.


Hệ thống thủy lợi ở Long An ngày càng hoàn thiện

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Lê Hữu Tàu thông tin: “Theo kiểm tra thực tế, chúng tôi chủ động tham mưu các cấp lãnh đạo đầu tư một số công trình, hạng mục cần thiết. Triển khai nạo vét 20 tuyến kênh, 2 cống và xây dựng 11 trạm bơm điện phục vụ sản xuất, tưới tiêu lúc khô hạn và xâm nhập mặn. Trong đó, cấp tỉnh đầu tư nạo vét 9 kênh, 2 cống; 1 trạm bơm điện còn lại huyện đầu tư. Kiến nghị ngành giao thông làm nắp đậy cho 13 cống thiếu nắp dọc lộ N2, đoạn gần cống Bắc Đông. Với những giải pháp chống hạn, mặn lâu dài như vậy, chúng tôi hy vọng tình hình hạn, mặn trên địa bàn sẽ được khống chế, giảm thiểu tối đa mức thiệt hại cho người dân”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: “Trước tình hình hạn, mặn kéo dài, ngành chức năng cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, tổ chức giám sát, dự báo xâm nhập mặn, trữ ngọt hiệu quả vào hệ thống. Tổ chức đắp đập tạm thời để ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ sản xuất, dân sinh; tăng cường thông tin, tuyên truyền thường xuyên về tình hình hạn, xâm nhập mặn đến các cấp, các ngành, người dân để chủ động trong sản xuất, sinh hoạt;... Đối với sản xuất lúa, cần tập trung bố trí thời vụ xuống giống nhanh gọn, hợp lý cho từng tiểu vùng để tránh thời điểm xâm nhập mặn lên cao. Ngoài ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường,... cần chú ý đến giống lúa phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn”./.

Lê Huỳnh-Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết