Từ bao đời nay, cứ đến độ tháng tám âm lịch, nhà nhà, người người, nhất là trẻ con rộn ràng trong không khí đón Tết Trung thu. Khắp ngõ ngách thôn xóm, phố phường lung linh ánh đèn ông sao, cá chép, bươm bướm, hòa quyện với hương bánh trung thu ngọt ngào như lời bài hát: “... Ngọt thơm như bánh dẻo bánh nướng, ngọt cay như mứt ngừng mứt bí; Ăn mát lòng lại thấy vui thêm; Hạt dưa nghe cắn nổ lốp đốp...”.
Thế nhưng vài năm trở lại đây, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm vào những dịp lễ, tết như Tết Trung thu lại trở nên đáng báo động do ngày càng có nhiệu vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng. Một số vụ điển hình như mùa Trung thu 2015, hai mẹ con ở Hà Tĩnh sau khi ăn 2 chiếc bánh dẻo được tặng thì người mẹ tử vong, con phải nhập viện; một gia đình có 9 người ở Ninh Bình có dấu hiệu nôn mửa, chóng mặt, phải đi cấp cứu sau khi liên hoan đón Trung thu tại nhà.
Thực tế, từ đầu tháng bảy âm lịch hàng năm, hàng loạt cơ sở sản xuất bánh, kẹo trong cả nước rục rịch chuẩn bị sản xuất bánh, kẹo, nhất là bánh Trung thu để tung ra thị trường, trong đó có không ít cơ sở tự phát, nhỏ, lẻ, sản xuất không bảo đảm chất lượng, chỉ cốt tranh thủ kiếm lợi trong dịp này. Thế cho nên, các cơ quan chức năng không thể kiểm soát được là điều thường thấy và lẫn trong những chiếc bánh của những thương hiệu nổi tiếng, chất lượng cao lại có những chiếc bánh không rõ nguồn gốc, nhãn mác nhoè nhoẹt, không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng. Và dĩ nhiên, gần đến ngày rằm tháng tám, chúng được bán với giá hạ kinh khủng: 1 tặng 1, 1 tặng 2, thậm chí 1 tặng 3! Thật không khó để nhận biết và hiểu rằng, những chiếc bánh ấy được hình thành từ nguồn nguyên liệu nào, cơ sở sản xuất ra sao.
Có một điều đáng trân trọng và cần biểu dương là trong mấy năm qua, nhất là năm 2016 vừa qua, Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế tích cực chỉ đạo các sở Y tế tỉnh, thành trong cả nước tăng cường các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa Trung thu; tuyên truyền các quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, công bố sản phẩm, bảo quản sản phẩm thực phẩm; thúc đẩy việc kiểm tra thường xuyên điều kiện vệ sinh tại các cơ sở sản xuất. Đối với người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân nên mua bánh ở các cơ sở sản xuất có thương hiệu, địa chỉ rõ ràng, không vì sự hấp dẫn của giá rẻ mà mua phải bánh kém chất lượng, không bảo đảm an toàn.
Một mùa Trung thu nữa lại về! Từ người lớn đến trẻ con, ai ai cũng muốn thưởng thức chiếc bánh trung thu truyền thống ngọt ngào trong đêm rằm tháng tám. Thế nhưng, sự lo lắng, ngần ngại khi cầm trên tay chiếc bánh không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ là cảm giác thường nhật trong chúng ta nếu mọi người, mọi ngành không kiên quyết trong việc chấm dứt tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, rất cần sự chung tay, góp sức của các cơ quan chức năng để có một cái Tết Trung thu 2017 vui tươi, an toàn./.
Phương Trà