Tiếng Việt | English

28/06/2016 - 17:31

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Chiến tranh đã đi qua, nhưng hậu quả của chất độc hóa học vẫn còn âm ỉ mãi. Nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin huyện Cần Giuộc tích cực quan tâm, chăm sóc các nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của các nạn nhân bị nhiễm CĐDC được nâng lên.

Hiện nay, toàn huyện có 358 người nhiễm CĐDC/dioxin, trong đó, 86 người được hưởng các chế độ, chính sách và 272 người là dân thường. Thời gian qua, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Cần Giuộc luôn xác định công tác tuyên truyền, kêu gọi các cấp, các ngành chung tay chăm lo các nạn nhân bị nhiễm CĐDC là yếu tố quyết định để chăm sóc, hỗ trợ các nạn nhân da cam ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

Ngay từ đầu năm, Hội Nạn nhân CĐDC phối hợp Đài Truyền thanh huyện, xã, thị trấn tuyên truyền Ngày Thảm họa da cam ở Việt Nam, kỷ niệm 10 năm Ngày truyền thống CĐDC tỉnh,... Ngoài ra, Hội còn phối hợp Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện rà soát, hướng dẫn lập hồ sơ cho 61 trường hợp nghi nhiễm chất độc hóa học gởi về Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh xem xét.


Vợ chồng chị Huỳnh Thị Sương, ngụ xã Phước Lâm, chiến thắng bệnh tật và hăng say lao động

Với sự nỗ lực của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện đã kịp thời giúp đỡ, tặng 3.413 phần quà, hỗ trợ vay vốn cho nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn,...

Chị Huỳnh Thị Sương là một trong những người bị nhiễm CĐDC cho biết: “Ba mẹ tôi đều tham gia kháng chiến trong vùng nhiễm chất độc hóa học. Ba mẹ tôi sinh được 4 người con, trong đó, tôi bị dị tật,... Biết được hoàn cảnh gia đình khó khăn, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm giúp đỡ. Cụ thể năm 2011, tôi được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, đồng thời được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế. Mặc dù gia đình tôi không may mắn như những gia đình khác nhưng chúng tôi cảm thấy rất an tâm sản xuất”.

Từ sự giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần, nhiều nạn nhân CĐDC vươn lên trong khó khăn và trở thành tấm gương sáng ngời giữa đời thường. Đó là gia đình ông Đỗ Đình Phùng, ngụ xã Phước Lâm, ông nói: “Trước đây, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn. Khó khăn hơn khi tôi sinh được 1 người con trai cũng bị nhiễm CĐDC. Được sự giúp đỡ của đồng đội, các hội, đoàn thể, tôi có điều kiện phát triển kinh tế. Hiện tại, tôi đang sở hữu căn nhà tường khang trang và thu nhập ổn định. Đặc biệt, tôi còn chủ động hiến hơn 1.000m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn”.

Thời gian tới, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, kêu gọi mạnh thường quân, nhà hảo tâm,.... cùng chung tay chăm lo cho các nạn nhân da cam, từ đó, góp phần xoa dịu một phần đau thương mà họ đang gánh chịu. Ngoài ra, hưởng ứng 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, Hội phối hợp Đài Truyền thanh huyện thông tin về các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các nạn nhân CĐDC. Hội sẽ tổ chức biểu dương các cá nhân, tập thể có đóng góp cho Hội. Đặc biệt, Hội sẽ tuyên truyền những nạn nhân bị nhiễm CĐDC nhưng có nghị lực vươn lên, thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Với sự chung tay của các cấp, các ngành, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Cần Giuộc trở thành chiếc cầu nối thân thương để các nạn nhân vượt lên khó khăn, chiến thắng bệnh tật. Hy vọng, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt và hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết