Tiếng Việt | English

03/01/2016 - 11:01

Long An

Chương trình khuyến công tạo "CÚ HÍCH" cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo thống kê trên cả nước, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa chiếm đa số. Tại Long An, số lượng DN nhỏ và vừa chiếm phần nhiều trong tổng số các DN đăng ký hoạt động kinh doanh. Khó khăn lớn nhất của loại hình DN này là thiếu vốn, công nghệ còn lạc hậu, sản phẩm chưa mang tính cạnh tranh cao,… Để từng bước tăng cường hoạt động chuyển giao và nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ, chương trình khuyến công ra đời với nhiều chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến thích hợp với DN nhỏ và vừa.

Máy tiện gỗ tự động của DNTN Huy Thịnh Long An được hỗ trợ từ chương trình khuyến công

Năm 2015, từ kinh phí chương trình Khuyến công quốc gia, Khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp (gọi tắt là Trung tâm), thuộc Sở Công Thương khảo sát nhu cầu và lập nhiều đề án hỗ trợ DN, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ vào các khâu sản xuất. Đây được xem là "cú hích", động lực cho lĩnh vực công nghiệp này phát triển.

Anh Hồ Hoàng Cường, có tay nghề và làm mộc gia dụng, mộc mỹ nghệ đã hơn 40 năm. Những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường, anh thành lập DNTN Huy Thịnh Long An, đóng tại phường 3, thị xã Kiến Tường. DN anh làm chủ chuyên sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, tay vịn cầu thang,… và gỗ mỹ nghệ, có 6 lao động làm việc thường xuyên. Với tính cẩn thận và có khiếu thẩm mỹ, thời gian gần đây, anh nhận được nhiều đơn đặt hàng với yêu cầu sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú và đúng thời gian quy định. Mới đây, anh Huy Cường quyết định đầu tư máy tiện gỗ tự động để đáp ứng nhu cầu tăng cao năng suất. Nhằm hỗ trợ DNTN Huy Thịnh Long An ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, Trung tâm lập đề án khuyến công sử dụng kinh phí địa phương hỗ trợ kinh phí 80 triệu đồng trên tổng giá trị máy mà DN đầu tư là 210 triệu đồng.

Theo anh Huy Cường, máy tiện gỗ tự động có thể làm ra nhiều sản phẩm bằng gỗ với độ tinh xảo, phức tạp và chính xác cao có kích thước dưới 8 tấc. Khi đầu tư máy mới, anh được một DN tại TP.HCM đặt hàng sản xuất, mỗi tuần cung cấp 20.000 cán bay dành cho thợ hồ. Việc sản xuất cán bay giúp DN tận dụng gỗ và gỗ tràm bông vàng tại địa phương. Ngoài ra, với đơn đặt hàng này, DN cũng tạo thêm việc làm cho lao động tại địa phương.

Cơ sở giết mổ gia cầm Tân Trường Phúc (xã Long Phụng, huyện Cần Giuộc) có công suất giết mổ và tiêu thụ khoảng 3.000 con gia cầm/ngày. Sản phẩm được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Long An, TP.HCM. Trước đây, là cơ sở nhỏ nên khâu khử trùng chủ yếu bằng phương pháp thủ công hoặc sử dụng thiết bị nhỏ, chưa đạt hiệu quả cao. Biết được khó khăn của Tân Trường Phúc, nguồn kinh phí khuyến công địa phương vừa hỗ trợ 100 triệu đồng giúp cơ sở đầu tư hệ thống máy sục khí ozone vào quy trình giết mổ (tổng vốn đầu tư hệ thống máy sục khí ozone trên 200 triệu đồng).

Chủ cơ sở Tân Trường Phúc, ông Nguyễn Đăng Phong cho biết, đầu tư hệ thống máy sục khí ozone giúp cơ sở hoàn chỉnh khâu xử lý thành phẩm trước khi đóng gói, bảo đảm các chỉ tiêu quy định trong quy trình giết mổ theo hướng an toàn vệ sinh cũng như chất lượng thực phẩm.

Cty TNHH Năng lượng Mặt Trời Đỏ (CCN Đức Hòa Hạ) bắt đầu nghiên cứu và sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời từ năm 2009. Cty ra đời với mục đích thúc đẩy việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam, các nước lân cận. Công suất hiện tại của nhà máy tại Long An là 12MW/năm, với năng lực sản xuất hiện tại, doanh nghiệp góp phần làm giảm 13.000 tấn CO2 - một loại khí gây ra hiệu ứng nhà kính. Tấm pin thu năng lượng mặt trời là sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo Quyết định số 1483/QĐ-TTg, cần được hỗ trợ nhằm phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu thay thế những dạng năng lượng cũ đang ngày càng cạn kiệt.

Để giúp Cty TNHH Năng lượng Mặt Trời Đỏ khép kín dây chuyền sản xuất, ổn định chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, Trung tâm xây dựng đề án khuyến công hỗ trợ Cty trang bị máy sấy ép chân không bằng nguồn kinh phí địa phương. Tổng kinh phí thực hiện là 366 triệu đồng, trong đó, kinh phí từ nguồn khuyến công địa phương 150 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng của đơn vị thụ hưởng.Bà Phạm Thị Thu Dung - Giám đốc Cty cho rằng, khi dây chuyền sản xuất tấm pin thu năng lượng mặt trời được hoàn chỉnh giúp Cty ổn định chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như phục vụ xuất khẩu.

Giám đốc Trung tâm - Nguyễn Văn Bôn cho biết, đến thời điểm này, các đề án khuyến công được Trung tâm xây dựng đã hoàn tất và nghiệm thu. Năm nay, chương trình thực hiện thuận lợi bởi có sự phối hợp hiệu quả của các đơn vị thụ hưởng trong quá trình triển khai đề án. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ thông qua các hoạt động giới thiệu, quảng bá và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm của doanh nghiệp thông qua việc tham gia các nội dung của chương trình khuyến công như: Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tham gia các hội chợ triển lãm,…

Khi tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ kinh phí khuyến công, các đơn vị thụ hưởng đều phấn khởi bởi được sự quan tâm, khuyến khích của chính sách mà Nhà nước. Họ cho rằng, nguồn kinh phí hỗ trợ chưa lớn nhưng đó là động lực, "cú hích" để DN vượt qua khó khăn ban đầu về vốn. Thời gian tới, các DN tiếp tục phát huy và sử dụng có hiệu quả máy móc, thiết bị được hỗ trợ để phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết