Tiếng Việt | English

30/08/2016 - 16:12

Chuyển đổi cây trồng hiệu quả sau khi Nhà máy Bột giấy Phương Nam ngừng hoạt động

Sau khi Nhà máy Bột giấy Phương Nam tại Thạnh Hóa dừng hoạt động, vùng trồng đay nguyên liệu của tỉnh Long An được chuyển đổi sang trồng lúa.


Ao nuôi cá của hộ ông Nguyễn Thành Được ở xã Thạnh Phước

Ông Lê Văn Rồi, ngụ xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa - nông dân có hơn 20 năm trồng đay cho biết, trước đây, ông có 15ha cây đay, ban đầu bán cho thương lái từ TP.HCM, sau đó chủ yếu bán cho NMBG Phương Nam. Bình quân, mỗi hécta, ông lãi hơn 1 triệu đồng. Đến khi NMBG Phương Nam ngưng hoạt động, ông chuyển sang trồng lúa. Tính ra mỗi hécta lúa đạt từ 7-8 tấn bán với giá 4.500-5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông lãi hơn 15 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Thành Được, ở Thạnh Phước cho biết thêm, ông chuyển 7ha đay sang nuôi cá trê, cá lóc, sau khi trừ chi phí, thu lãi từ 20-25 triệu đồng/ha/vụ.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha, năm 2007, diện tích đay ở huyện đạt 4.900ha. Tuy nhiên, đến năm 2013, diện tích đay giảm đáng kể, chỉ còn 70ha. NMBG Phương Nam không thu mua đay tươi nên huyện chủ trương vận động người dân chuyển sang trồng lúa 2 vụ hoặc lúa xen cá, có lợi nhuận cao.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết, khi NMBG Phương Nam thành lập, tỉnh quy hoạch vùng trồng đay trên địa bàn các huyện: Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Tân Thạnh với diện tích hơn 15.000ha. Tuy nhiên, đến nay dự án này không triển khai được. Hầu hết diện tích đay trước đây được nông dân chuyển sang trồng lúa Hè Thu. Từ khi nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ thủy sản nuôi vùng Đồng Tháp Mười, vùng này phát triển thêm mô hình nuôi cá nước ngọt".

NMBG Phương Nam do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi) thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 làm chủ đầu tư với tổng vốn 1.487 tỉ đồng. Tháng 6-2009, chủ đầu tư dự án được chuyển từ Tracodi sang Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), vốn đội lên thành 3.000 tỉ đồng. Những năm 2007, 2008, Tracodi ký hợp đồng trồng nguyên liệu với nông dân 2 huyện Thạnh Hóa và Mộc Hóa trên diện tích 450ha. Số lượng đay thu mua được hơn 10.500 tấn đay tươi và hơn 655 tấn đay sợi. Số đay này được Vinapaco đưa vào sản xuất, nhưng trong quá trình chạy thử có tải, cả hệ thống vẫn không hoạt động./.

Mỹ Tho

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích