Tiếng Việt | English

21/06/2022 - 05:25

Chuyển đổi số báo chí - Xu thế tất yếu trong hoạt động truyền thông

Chuyển đổi số (CĐS) đã, đang và sẽ diễn ra trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có báo chí. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, quá trình CĐS báo chí cũng gặp không ít khó khăn, thách thức liên quan đến yếu tố khách quan, nhận thức và nguồn lực. CĐS báo chí không đơn thuần ở vấn đề công nghệ mà ở con người, ở tư duy và cần phải xác định “bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó; báo chí đem đến những gì bạn đọc cần chứ không chỉ những gì đang có”.

Chuyển đổi số báo chí cần chiến lược tổng thể

CĐS báo chí hiện nay có nhiều thuận lợi, trước hết là quyết tâm chính trị và chủ trương thúc đẩy quá trình CĐS ở cấp chiến lược. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ngày 03/6/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” hướng đến mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu; đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt CĐS, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số”.

Phó Tổng Biên tập Báo Long An - Châu Hồng Khá kiểm duyệt xuất bản báo trên tòa soạn điện tử hội tụ. Ảnh: Thanh Tuyền

Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành. Theo đó, dự thảo Chiến lược là có nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời tới công chúng mọi lúc, mọi nơi, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội, khơi dậy khát vọng, tạo sức mạnh tinh thần phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng Chương trình hỗ trợ CĐS cho các cơ quan báo chí, theo đó có 3 nền tảng giúp các cơ quan báo chí CĐS: (1) Nền tảng quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số; (2) Nền tảng phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội, giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần; (3) Nền tảng hỗ trợ phòng, chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí.

Theo thống kê, tính đến hết năm 2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí, mặc dù tăng về số lượng nhưng doanh thu có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do chậm đổi mới, chưa bắt kịp nhịp độ CĐS, tính cạnh tranh không cao ngay cả trong thế mạnh cốt lõi của mình là truyền thông tin tức so với mô hình truyền thông mới, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook, Google,... Do đó, CĐS được xem là hướng đi sống còn đối với báo chí trong thời gian tới.

Cả xã hội đang thực hiện CĐS và báo chí cũng trong hướng đi này, đây là sự lựa chọn duy nhất. Trong tương lai, báo giấy truyền thống sẽ dần bất cập so với nhu cầu, phát thanh và truyền hình chậm đổi mới sẽ gặp những khó khăn nhất định, ngay cả báo điện tử nếu không tiếp tục đổi mới, cải tiến sẽ không theo kịp sự phát triển. CĐS phụ thuộc rất lớn vào nhân lực thiện nghệ và tư duy đột phá; vì vậy cần chú trọng đào tạo hoặc đào tạo lại để có một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo, tinh thông các công cụ số và cách tiếp cận mới mẽ, một cách nghĩ khác, làm khác, tạo ra một kết quả khác biệt.

Với phương châm “Luôn lấy bạn đọc là đối tượng phục vụ”, các cơ quan báo chí cần đổi mới trong quá trình CĐS để hòa nhập, tương tác với bạn đọc gắn với bối cảnh khuynh hướng thông tin của độc giả đã chuyển từ “bị động” sang “chủ động” và công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) đang đóng vai trò quan trọng trong điều hướng nội dung.

Chuyển đổi số sẽ tạo tác lại bức tranh của báo chí

CĐS báo chí phải xuất phát từ chính những người làm báo tận dụng được nền tảng công nghệ gắn với nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các nhà báo. Trước hết, chính là việc sử dụng các công cụ, giải pháp công nghệ số để đổi mới mô hình, cách thức tác nghiệp và phân phối nội dung theo hướng tối ưu hóa mô hình hoạt động của các cơ quan báo chí; thực hiện số hóa thông tin liên quan “đầu vào” và số hóa các quy trình tác nghiệp phóng viên. Thực chất CĐS là chuyển đổi thông tin trên giấy và các quy trình thủ công thành định dạng kỹ thuật số, sử dụng công cụ kỹ thuật số để tự động hóa, là bước khởi đầu của quá trình CĐS báo chí.

Phó Trưởng phòng Báo Điện tử và Tư liệu Báo Long An - Nguyễn Đăng Châu hướng dẫn phóng viên thao tác trên tòa soạn điện tử hội tụ. Ảnh: Thanh Tuyền

Báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ sẽ đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, dư luận xã hội; tạo ra một hệ sinh thái báo chí vô cùng phong phú, đa dạng. Thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả là những nhiệm vụ tiên quyết. Các thành tựu về công nghệ đã tạo ra những thay đổi về chất trong cách làm báo, những sản phẩm báo chí có hiệu ứng đặc biệt. Chẳng hạn ứng dụng AI, Big Data, IoT tạo ra các sản phẩm mới: Ứng dụng trả lời tự động (Chatbot), hay các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí thị giác, Mega Story, Infographic, Timeline, ảnh 360 độ, video 360 độ,... Hoặc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giúp tăng lưu lượng người dùng, truyền tải thông điệp đến từng bạn đọc với nhu cầu khác nhau, gợi ý các nội dung yêu thích của người đọc theo dạng Thư tòa soạn (Newsletter) hay tin tuyển chọn từ Ban biên tập (Editors Picks),...

Mấy việc cần làm ngay chuyển đổi số báo chí ở địa phương

Để thực hiện CĐS báo chí, tự thân các cơ quan báo chí và những người làm báo cần xác định các nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ, trước mắt cần lưu ý các vấn đề sau:

Đổi mới cơ cấu tổ chức, quy trình hoạt động của cơ quan báo chí theo mô hình truyền thông hiện đại, xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ và cơ quan báo chí đa phương tiện, lấy tòa soạn hội tụ làm trung tâm, tạo sự thống nhất giữa các bộ phận báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử. Sản xuất nội dung báo chí chất lượng cao, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin hiện đại để tạo sự hấp dẫn của truyền thông cho công chúng.

Xây dựng nguồn nhân lực, tổ chức lại lực lượng làm báo có chuyên môn, nắm vững kỹ năng tác nghiệp trên môi trường số. Cần nhận thức sâu sắc dù thiết bị công nghệ, giải pháp công nghệ hiện đại đến đâu, nhưng để thực hiện được vai trò, tầm vóc của báo chí trước các vấn đề cấp bách của xã hội, nhu cầu thông tin của cộng đồng thì yếu tố quyết định vẫn chính là con người.

Sớm tạo lập mô hình quản lý tòa soạn điện tử, xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số, bao gồm các hoạt động quản lý quy trình xuất bản, quản trị nội bộ của tòa soạn, hoạt động tương tác hai chiều với bạn đọc, đo lường số lượng người đọc.

Tranh thủ mọi nguồn lực, đầu tư hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, bảo đảm an ninh và điều kiện tác nghiệp trên môi trường số; cần có sự gắn kết giữa các cơ quan báo chí với các doanh nghiệp công nghệ cũng như sự hỗ trợ của cơ quan chuyên ngành.

Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2022), chúc báo chí tỉnh nhà luôn trẻ trung, năng động, đổi mới và CĐS thành công; chúc những người làm báo mãi yêu nghề, yêu người, yêu đời, luôn mạnh khỏe, hạnh phúc!

Với phương châm “Bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó; báo chí đem đến những gì bạn đọc cần chứ không chỉ những gì đang có”, báo chí tỉnh nhà cần tổ chức hoạt động theo tiêu chí lấy bạn đọc làm trung tâm, nội dung tích cực là chính yếu, thông tin trung thực, hình thức đa dạng, nắm bắt nhanh xu thế chuyển đổi số để có những bước phát triển vững chắc, vượt bậc, phù hợp với xu thế bùng nổ thông tin, thị hiếu phong phú của bạn đọc.

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Bá Luân

Chia sẻ bài viết