Trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2022 tại Hà Nội, sáng nay (14/4) diễn ra Diễn đàn “Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn”.
Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho rằng, quá trình chuyển đổi số của báo chí đang chậm hơn xu thế chung.
"Dù muốn nhưng nhiều tổng biên tập khi nói về chuyển đổi số lại nghĩ rằng nếu chưa chuyển đổi số cũng không chết giống như doanh nghiệp là chuyển đổi số hoặc chết nên nhiều cơ quan báo chí thấy việc này chưa thực sự cấp bách", ông Phạm Anh Tuấn nói.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn phát biểu tại tọa đàm.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, đi chậm trong chuyển đổi số không có nghĩa sẽ thất bại, các cơ quan đi sau cần tranh thủ kinh nghiệm thực tế từ những đơn vị đi trước để thực hiện hiệu quả hơn. Hiện nay, quá trình chuyển đổi số báo chí còn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh những lãnh đạo cơ quan báo chí có kiến thức, hiểu biết về công nghệ, dễ dàng chuyển đổi số, thì nhiều cơ quan báo chí từ lãnh đạo đến phóng viên đều thiếu kiến thức về công nghệ, không biết nên làm từ đâu, định hướng thế nào.
Bên cạnh đó, các cơ quan cũng đang gặp khó khăn về nguồn tiền đầu tư cho chuyển đổi số. Thông thường nguồn tiền Nhà nước đầu tư theo kiểu “dần dần”, trong khi đó chuyển đổi số lại cần đầu tư ngay và luôn.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, các cơ quan báo chí muốn chuyển đổi số phải thay đổi từ quy trình cung cấp dịch vụ đến con người, hiện nay còn nhiều nhân lực báo chí còn ngại thay đổi trong xu hướng chuyển đổi số.
“Chuyển đổi số phải bắt đầu từ con người, trong đó trước hết phải nói đến vai trò của người đứng đầu. Khi loay hoay rằng bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, như thế nào thì người đứng đầu cần quyết, cần thay đổi. Khi chuyển đổi số không phải thay đổi quy trình, bộ máy mà thay đổi từ con người, nếu con người không thay đổi thì chắc chắn việc chuyển đổi sẽ không hiệu quả. Bên cạnh đó, đội ngũ phóng viên cũng cần thay đổi nhận thức về công nghệ số. Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến trong năm 2022 sẽ đào tạo khoảng 10.000 công chức, viên chức số cho đất nước, trong đó báo chí có từ 3.000-5.000 người. Việc đào tạo bồi dưỡng sẽ được thực hiện cả trực tiếp và trực tuyến", ông Phạm Anh Tuấn thông tin.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trong định hướng chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí có 2 mảng việc cần thực hiện ngay là quản trị nội bộ, các vấn đề về tài chính trong báo chí. Mảng thứ 2 là quản lý, sản xuất và lưu trữ nội dung, việc này cần một nguồn kinh phí đầu tư rất lớn. Để giải quyết những khó khăn này cho các cơ quan báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đang có chủ trương xây dựng các nền tảng lớn đảm bảo độc lập chủ quyền trên không gian mạng.
“Chúng ta đầu tư cho xã hội vật lý thế nào thì đầu tư trên không gian mạng như thế và cơ quan nhà nước cần vào cuộc. Hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề xuất với Chính phủ đầu tư nền tảng lớn dùng chung cho 6 cơ quan báo chí chủ lực. Đơn cử như với VOV, Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng nền tảng phát thanh lớn, các đài phát thanh địa phương dùng chung nền tảng này, như vậy sẽ đảm bảo không lãng phí nguồn lực”, ông Phạm Anh Tuấn nói.
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, với vai trò dẫn dắt chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giúp tư vấn, đưa ra các nền tảng dùng chung, xác định về khoảng giá, tránh tình trạng cùng một nền tảng nhưng kinh phí đầu tư lại chênh lệch quá lớn giữa các đơn vị. Với các cơ quan báo chí chủ lực, mỗi cơ quan sẽ xây dụng một nền tảng dùng chung, các cơ quan khác có thể cùng sử dụng và trả phí. Bên cạnh đó, Bộ cũng khuyến khích các báo đài lớn có đủ nguồn lực tự đầu tư xây dựng, phát triển những nền tảng riêng.
Đối với các cơ quan báo chí vừa và nhỏ, chiếm tỷ lệ lớn với hơn 90%, bên cạnh việc kết nối với các nền tảng của các cơ quan báo chí chủ lực, Bộ Thông tin và truyền thông cũng dự kiến đề xuất xây dựng nền tảng riêng cho nhóm này để chủ động vận hành.
“Bộ Thông tin và truyền thông sẽ luôn đồng hành cùng các cơ quan báo chí, đảm bảo dù chậm nhưng vẫn hiệu quả, từng bước cải tiến để đứng vững trên môi trường chuyển đổi số”, ông Phạm Anh Tuấn khẳng định./.
Nhóm phóng viên/VOV.VN