Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An kiêm Phó ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - Phạm Ngọc Tiệp nhận định: Sau 7 năm phát động, cuộc vận động từng bước làm thay đổi nhận thức, ý thức của đông đảo người dân về việc lựa chọn các sản phẩm do DN trong nước sản xuất. Các DN trong tỉnh cũng dần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng các biện pháp cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, đa dạng mẫu mã.
Tại Co.opMart Tân An có gần 95% hàng hóa lưu thông đều được sản xuất bởi những doanh nghiệp Việt Nam
Từ năm 2009 đến hết năm 2016, Sở Công Thương và Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh tổ chức 127 “Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, khu, cụm công nghiệp”. Cũng từ năm 2009 đến nay, bình quân mỗi năm, các DN trong tỉnh tham gia khoảng 16 hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, nước ngoài nhằm quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại. Dự kiến, năm 2017 sẽ có 4 “Phiên chợ hàng Việt” cấp quốc gia tổ chức tại Long An và 10 “Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, khu, cụm công nghiệp”. |
Cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao năng lực
Ông Trần Đình Long trước đây chỉ là nhà phân phối các sản phẩm đồ chơi cho trẻ em tại TP.HCM. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, thấu hiểu những băn khoăn, lo lắng của các bậc cha mẹ khi chọn lựa đồ chơi cho con, nhất là các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ông Đình Long quyết định thành lập Công ty (Cty) TNHH Long Thủy (Long Thủy Toy) với mong muốn làm ra sản phẩm đồ chơi mang thương hiệu Việt dành cho trẻ em.
Để tạo dựng được niềm tin nơi phụ huynh và người tiêu dùng Việt Nam, Long Thủy Toy đặt mục tiêu sản phẩm làm ra phải an toàn, không gây hại và thân thiện với trẻ em. Vì vậy, tất cả nguyên liệu đầu vào tại Cty đều theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên thiết kế của Cty không ngừng nâng cao tay nghề, nghiệp vụ qua các khóa đào tạo trong và ngoài nước; chú trọng mua sắm trang thiết bị sản xuất. Nếu như trước đây, Cty chỉ có 1 nhà xưởng sản xuất ở xã Long Trạch, huyện Cần Đước thì đến nay, Cty có 3 nhà xưởng sản xuất với đội ngũ nhân viên lên đến 400 người (2 ở Long Trạch, 1 ở xã Tân Trạch).
Giám đốc Long Thủy Toy - Trần Đình Long chia sẻ, hiện nay, nguyên liệu dành sản xuất đồ chơi cho các bé 80% có nguồn gốc từ các nhà sản xuất trong nước, 20% còn lại nhập khẩu (đa số là linh kiện, động cơ). Hiện nay, Cty có thể sản xuất 300 mặt hàng đồ chơi dành cho trẻ em từ các loại xe hơi điều khiển có động cơ đến những loại thông thường. Mỗi tháng, Cty sản xuất khoảng 70.000 sản phẩm, riêng những tháng cao điểm gần tết tăng lên 100.000 sản phẩm. Thuận lợi lớn nhất của Cty là đi vào sản xuất ở thời điểm Việt Nam đang phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chính từ yếu tố này, Cty hoạt động hết công suất nhà máy nhưng vẫn không thể đáp ứng kịp thời các đơn hàng từ các đại lý cấp 1 và đại lý phân phối.
Cũng như Cty Long Thủy, Cty Cổ phần Phân bón Hà Lan (Khu công nghiệp Tân Kim, Cần Giuộc) đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ở thời điểm người tiêu dùng được vận động sử dụng hàng Việt. Ngoài trang bị nhà xưởng sản xuất, Cty còn mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ urê hóa lỏng hiện đại.
Theo Giám đốc Cty - Trần Anh, việc đầu tư trang thiết bị này giúp sản phẩm phân bón có độ đồng đều cao, bóng đẹp và tăng nhanh sự hấp thu phân bón cho cây trồng. Từ nỗ lực này, các sản phẩm đưa ra thị trường có chất lượng cao nhưng giá thành hợp lý. 2 năm qua, sản lượng bình quân hàng năm của Cty khoảng 50.000 tấn sản phẩm, chủ yếu tiêu thụ thị trường trong nước nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Năm 2017, Cty phấn đấu tăng sản lượng lên từ 10-20% so với năm 2016.
Xưởng sản xuất đồ chơi trẻ em của Long Thủy Toy
Người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt
Hưởng ứng cuộc vận động, tại Siêu thị Co.opMart Tân An, có gần 95% hàng hóa lưu thông đều được sản xuất bởi những DN, cơ sở trong nước. Theo Giám đốc Co.opMart Tân An - Nguyễn Thị Hoàng Anh: “Co.opMart luôn có những chính sách ưu tiên quảng bá, kinh doanh hàng Việt. Các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, thân thiện môi trường luôn được hưởng các chính sách ưu tiên về trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Hầu hết nguồn hàng rất phong phú về mẫu mã, chất lượng, giá cả hợp lý phù hợp thu nhập của đại đa số người tiêu dùng”.
Ngoài ra, năm 2016, Sở Công Thương Long An hỗ trợ kinh phí Cty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Long An triển khai xây dựng mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt” tại phường 1, TP.Tân An. Đây là điểm bán lẻ có không gian rộng rãi, văn minh, lịch sự, sản phẩm hàng hóa dồi dào, phong phú, với khoảng 300 mặt hàng và 100% đều là hàng Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Không chỉ hiện diện ở các địa bàn trung tâm trong tỉnh, hiện tại, các chợ, cửa hàng bán buôn trên địa bàn tỉnh, hàng hóa có nguồn gốc trong nước chiếm đa số. Chị Nguyễn Ngọc Kiểu có 20 năm trong nghề bán tạp phẩm tại chợ Bàu Trai (thị trấn Hậu Nghĩa, Đức Hòa) chia sẻ: “Trước đây, các loại bánh kẹo, đồ gia dụng tại chợ phần lớn có nguồn gốc từ nước ngoài do tâm lý lựa chọn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, bây giờ, người tiêu dùng dần chuyển hướng mua sắm hàng hóa có nguồn gốc từ các nhà sản xuất trong nước. Mỗi lần mua sắm, người tiêu dùng tìm hiểu rất kỹ, rõ nguồn gốc hàng hóa và luôn chọn sản phẩm của những DN có uy tín”.
Từ năm 2009 đến nay, “Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, khu, cụm công nghiệp” (phiên chợ) cũng góp phần giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Xuân Hồng, thông qua các phiên chợ, người tiêu dùng tại các địa bàn nông thôn, công nhân có điều kiện mua sắm hàng hóa trực tiếp từ các DN sản xuất. Vì vậy, hàng hóa đến tay người tiêu dùng rẻ hơn tại thị trường khoảng 5-10%.
Người dân đến tham quan và mua sắm tại phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”
Xóa những rào cản hiện có
Ngoài mục đích bán hàng hóa, thông qua phiên chợ, các cơ quan quản lý nhà nước lẫn DN mong muốn tìm được đại lý tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, việc này hiện vẫn chưa như mong muốn, DN mở đại lý bán hàng chưa nhiều. Ngoài ra, thời gian qua, ở các phiên chợ còn những hạn chế khác như: DN tham gia ít nên chưa đáp ứng hết nhu cầu của người tiêu dùng; thiếu vắng những DN có uy tín vì họ ngại đến những điểm bán xa, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng của phiên chợ cũng như thiếu những mặt hàng nhu yếu phẩm mà người dân vùng sâu, vùng xa cần.
“Một điểm yếu khác nữa là thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều phiên chợ hoặc hội chợ, triển lãm có nhiều gian hàng do DN tổ chức sự kiện thả nổi về mặt quản lý nên tình trạng hàng hóa kém chất lượng, chưa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được bày bán làm ảnh hưởng đến việc mua sắm của người tiêu dùng” - ông Nguyễn Xuân Hồng thừa nhận. Thời gian tới, để quản lý tốt vấn đề này, Sở Công Thương chỉ đạo các đội Quản lý thị trường tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm hạn chế tình trạng này, bảo vệ người tiêu dùng cũng như DN sản xuất chân chính.
Theo bà Phạm Ngọc Tiệp, một trong những giải pháp mà Ban Chỉ đạo tỉnh tiếp tục thực hiện trong năm 2017 là phối hợp các tổ chức thành viên tuyên truyền, quán triệt sâu sắc những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cuộc vận động theo tinh thần Thông báo Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo tiếp tục vận động các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, đổi mới thiết bị, đa dạng về mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm. Một khi hàng hóa do DN Việt sản xuất đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã cũng như giá cả hợp lý, chắc chắn người tiêu dùng sẽ tích cực ủng hộ./.
Mai Hương