Tiếng Việt | English

14/03/2016 - 10:12

Chung tay vì hàng Việt

Sau 6 năm triển khai thực hiện cuộc vận động (CVĐ)“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là CVĐ) do Bộ Chính trị phát động, đã có sức lan tỏa lớn. Bên cạnh tạo dựng được lòng tin của người tiêu dùng về hàng hóa Việt, các doanh nghiệp (DN) từng bước cải tiến quy trình sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh và từng bước chiếm lĩnh thị trường.


Phiên chợ hàng Việt về nông thôn thu hút nhiều người dân đến mua sắm

Chung tay vì hàng Việt

Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo CVĐ - Phạm Ngọc Tiệp cho biết, sau 6 năm thực hiện, CVĐ có tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, các cơ quan, đơn vị nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, giới DN, doanh nhân cũng nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình đối với sản phẩm làm ra, vì mục tiêu phát triển kinh tế tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Nhiều tổ chức, cá nhân hưởng ứng tích cực CVĐ. Điển hình như: Chi hội Nông dân ấp Bà Phổ, xã Mỹ Thạnh; ấp 2, xã Mỹ An; ấp 4, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa quan tâm và chỉ sử dụng hàng Việt trong phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hay như xã Đức Tân, huyện Tân Trụ có 15 dự án các nhà thầu sử dụng vật tư do Việt Nam sản xuất. Ở các chi hội phụ nữ, chị em được vận động mua và sử dụng hàng Việt,...

Với mục tiêu phát triển thị trường trong nước, gắn với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 của Bộ Công Thương, Sở Công Thương vừa hỗ trợ Cty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Long An mở điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt”. Đây là điểm bán lẻ đầu tiên của Cty trên địa bàn TP.Tân An.

Đại diện Cty cho biết, điểm bán hàng Việt có khoảng 300 mặt hàng và 100% đều là hàng Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm các tiêu chuẩn về chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhằm mở rộng hình thức bán hàng này, thời gian tới, Cty mở thêm điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân, đồng thời, tích cực góp phần tuyên truyền, hưởng ứng CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ngoài ra, tại Siêu thị Co.opMart Tân An, hiện có trên 90% hàng hóa, hàng tiêu dùng có nguồn gốc, xuất xứ từ các DN trong nước sản xuất.


Tại Siêu thị Co.opMart Tân An, trên 90% hàng hóa, hàng tiêu dùng có nguồn gốc, xuất xứ từ các doanh nghiệp trong nước sản xuất

Doanh nghiệp và người tiêu dùng có lợi

Theo đánh giá của Sở Công Thương, điều đáng ghi nhận là nhiều DN nỗ lực hết mình trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua nhiều phương cách như cải tiến trang thiết bị,... để tạo ra sản phẩm ngày càng chất lượng phục vụ người tiêu dùng.

Sau gần 30 năm có mặt trên thị trường với nhiều khó khăn, nỗ lực, bây giờ, Cty Cổ phần Địa ốc-Cáp điện Thịnh Phát (huyện Bến Lức) trở thành nhà sản xuất cáp điện hàng đầu tại Việt Nam và là sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, được tiêu thụ mạnh không những trong nước mà còn được xuất khẩu sang Campuchia, Lào, Myanmar. Phó Giám đốc Cty - Vũ Đức Huy cho biết, thời gian qua, Thịnh Phát tập trung đầu tư kỹ thuật, công nghệ và trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm như: Máy tráng thiếc, máy đan,... điều khiển bằng kỹ thuật số. Với trang thiết bị tiên tiến cộng với quy trình sản xuất khép kín từ khâu nguyên liệu đầu vào đến khâu phân phối sản phẩm, cộng thêm tuân thủ nhiều tiêu chuẩn, quy định nghiêm ngặt của ngành cáp điện, giờ đây, Cty Thịnh Phát liên tục nhận được nhiều gói thầu là các công trình lớn trên cả nước. Sản lượng sản xuất các loại dây cáp điện từ nhà máy năm 2015 đạt trên 42.000 tấn (năm 2014 đạt 32.540 tấn), tạo ra doanh thu trên 4.200 tỉ đồng. Năm 2016, với lượng khách hàng hiện có, Thịnh Phát phấn đấu tăng sản lượng khoảng 10% so với năm 2015.

Không phải là một thương hiệu được người tiêu dùng cả nước biết đến, nhưng từ các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, người tiêu dùng trong tỉnh biết đến thương hiệu nước mắm sản xuất theo kiểu truyền thống với chất lượng không thua kém các thương hiệu nổi tiếng khác trên thị trường. Đó là Cơ sở sản xuất nước mắm Vĩnh Hương (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An).


Phiên chợ hàng Việt về nông thôn do Trung tâm Xúc tiến thương mại tổ chức

Anh Nguyễn Hồng Sơn - chủ cơ sở cho biết, kể từ khi tham gia phiên chợ hàng Việt về nông thôn, người tiêu dùng biết đến thương hiệu nước mắm Vĩnh Hương và tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn. Nhờ vậy, bình quân hằng năm, cơ sở có mức tăng trưởng 20%. Ngoài việc chú trọng từng khâu nhỏ cho sản xuất như chọn nguyên liệu tốt, giữ cách ủ cá theo truyền thống, cơ sở còn đầu tư hệ thống máy chiết rót tự động theo những dung tích khác nhau, công suất tối thiểu đạt trên 500 chai/giờ (dung lượng chai từ 250-750ml). Đặc biệt, kể từ khi sản phẩm nước mắm 45 độ đạm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam vào năm 2014 càng thu hút người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng nhiều hơn.
Sau 6 năm CVĐ chính thức được triển khai thực hiện, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, 92% người tiêu dùng được hỏi đều quan tâm đến CVĐ. Đáng chú ý, có đến 63% người tiêu dùng xác định ưu tiên mua hàng Việt Nam sản xuất và 54% người tiêu dùng không chỉ sử dụng hàng Việt mà còn động viên người thân mua hàng Việt.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động

Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Phạm Ngọc Tiệp cho biết thêm, tuy CVĐ đạt những kết quả tốt đẹp, sức lan tỏa rộng nhưng sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị vẫn chưa đồng bộ, còn những hạn chế nhất định. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tiếp tục phối hợp các ngành liên quan tuyên truyền, vận động DN, nhà sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng thực hiện tốt hơn nữa CVĐ.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, công tác tuyên truyền về CVĐ cần được tổ chức thường xuyên và sâu rộng hơn nhằm nâng cao nhận thức đến mọi tổ chức, cá nhân đối với việc tồn tại và phát triển sản xuất trong nước trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách tín dụng hỗ trợ DN, tổ chức, cá nhân sử dụng chéo sản phẩm lẫn nhau trong quá trình sản xuất sản phẩm; có chế tài đối với những DN, cá nhân kinh doanh không chấp hành những quy định hay có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, để CVĐ đạt hiệu quả và tạo niềm tin bền vững nơi người tiêu dùng thì DN phải là người đi đầu thông qua việc tăng cường quản lý hiệu quả, đổi mới công nghệ nhằm hạ giá thành, nâng chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, giúp hàng Việt chiếm lĩnh tốt hơn trên thị trường./.

Thanh Tùng

Chia sẻ bài viết