Tiếng Việt | English

28/09/2020 - 21:11

Công an tỉnh Long An hướng dẫn tuyên truyền phòng ngừa lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Công an tỉnh Long An hướng dẫn tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân viên, người lao động phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thời gian qua, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, mạng xã hội như: Mạo danh công ty điện thoại, ngân hàng, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân, Bảo hiểm xã hội và các dịch vụ khác.

Chúng thường tập trung vào các nạn nhân còn nợ cước điện thoại; nợ vay ngân hàng; nợ tiền khám, chữa bệnh bảo hiểm, mua bán bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; thông báo trúng thưởng hoặc thông báo nhận bưu phẩm, nhận quà từ nước ngoài về Việt Nam nhưng đang bị giữ ở sân bay, các hình thức đầu tư, kinh doanh qua mạng,...

Nghiêm trọng hơn, chúng còn dùng thủ đoạn đe dọa nạn nhân hoặc người thân của họ có liên quan đến hoạt động phạm tội (nhất là ma túy).

Đáng chú ý, có thể đọc chính xác địa chỉ, tên tuổi, số chứng minh nhân dân, khiến cho các nạn nhân hoang mang, lo sợ và tin tưởng, rồi yêu cầu họ phải chuyển tiền vào tài khoản của chúng tại các ngân hàng (do đối tượng cung cấp hoặc nạn nhân phải làm theo hướng dẫn) để xác minh, giải quyết, nhận bưu phẩm và giải quyết vụ việc vi phạm (thực tế không có).

Để góp phần phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, bảo vệ an toàn tài sản của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên, Công an tỉnh thông báo và hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể và cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường (gọi chung là cơ quan, doanh nghiệp) tỉnh Long An và Công an các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt một số nội dung quan trọng. 

Cụ thể, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự; thường xuyên phối hợp với Công an địa phương nắm trao đổi thông tin có liên quan để tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên tham gia công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, tệ nạn xã hội nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trong cơ quan, doanh nghiệp.

Tạo điều kiện cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội và các đối tượng có liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet, mạng viễn thông, Zalo.

Đồng thời, hướng dẫn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng cho người khác khi không cần thiết; không chuyển, nộp tiền vào tài khoản, thẻ tín dụng,... bất cứ hình thức nào cho người khác khi chưa biết rõ họ là ai và mục đích gì; không tham gia kinh doanh qua mạng khi không có thông tin về hoạt động của loại hình này.

Chú ý: Thông tin các quy định của pháp luật các cơ quan tư pháp không làm việc với người vi phạm qua điện thoại; khi nhận được những cuộc điện thoại lạ, mạo danh là cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Bảo hiểm xã hội, ngân hàng,... cần hết sức cảnh giác, ghi nhận thông tin và thông báo ngay cho cơ quan Công an về những đối tượng có hành vi, biểu hiện nghi vấn, qua số điện thoại đường dây nóng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Để công tác tuyên truyền, phòng ngừa ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua các trang mạng xã hội lan rộng và nhanh chóng trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên, đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp rà soát, củng cố nâng cấp hệ thống thông tin tuyên truyền nội bộ hoặc vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên kết nối trang Zalo cá nhân thành từng nhóm nhỏ và liên kết với bộ phận tuyên truyền của cơ quan, doanh nghiệp nhằm đảm bảo công tác thông tin nhanh và chính xác nhất khi vụ sự việc xảy ra.

Kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về Bưu chính Viễn thông và những khó khăn vướng mắc trong phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đồng thời Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp đề ra các giải pháp khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý các trang mạng xã hội; những sơ hở, thiếu sót của hệ thống pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tăng cường tuần tra, canh gác, bảo vệ an toàn cơ quan, đơn vị, bảo vệ tài sản; cung cấp số điện thoại, đường dây nóng để kịp thời cung cấp thông tin, phản ánh các vụ việc có liên quan đến an ninh, trật tự cho lực lượng Công an; phát huy hiệu quả hoạt động các mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nêu cao tinh thần cảnh giác, tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tài sản và tích cực tố giác tội phạm; tiếp tục lắp đặt, kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống "Camera giám sát an ninh, trật tự”; phân công lực lượng trực cơ quan, đơn vị, bảo vệ tài sản, xử lý kịp thời mọi vụ việc ngay tại cơ sở.

Công an các đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường theo phân cấp quản lý; thường xuyên thông báo về hành vi, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể mang tính điển hình để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên cảnh giác, chủ động phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm nói chung và các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Đề xuất khen thưởng đột xuất cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhằm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ phong trào phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc./.

Công an tỉnh Long An

Chia sẻ bài viết