Công an TP.HCM phát đi thông tin cảnh báo đến người dân về các thủ đoạn lừa đảo này để đề phòng, tránh bị mất tiền.
Lừa đảo tiền đặt cọc
Ngày 6/9, Công an TP.HCM cho biết hiện TP vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội nên người dân phải thay đổi hành thức mua sắm trực tiếp sang hình thức mua sắm trực tuyến trên các ứng dụng hoặc các website, trang thương mại điện tử để bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19.
Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi giả mạo các trang thương mại điện tử nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.
Nắm được nhu cầu cần mua sắm các hàng hóa thiết yếu của người dân trong thời gian giãn cách xã hội như: thực phẩm, vật tư y tế… các đối tượng xấu đã xâm nhập vào các nhóm Zalo, Facebook của các khu dân cư, các cộng đồng kinh doanh hàng hóa thiết yếu, chiêu dụ người mua bằng cách đăng tin bán các sản phẩm với giá thấp hơn giá thị trường và nhận ship đến địa chỉ của khách hàng.
Lấy lý do tránh tình trạng khách bùng hàng cũng như đảm bảo giữ giá tốt nhất của đơn hàng đó, các đối tượng không ngừng thúc giục, yêu cầu người mua phải chuyển khoản đặt cọc trước.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của khách, các đối tượng cắt liên lạc, không giao hàng theo như thỏa thuận ban đầu.
Thậm chí, có trường hợp đối tượng còn giả làm nhân viên dịch vụ giao hàng, gọi cho khách hàng xác nhận địa chỉ và thời gian giao hàng. Người mua thấy sản phẩm của mình sắp được giao, giá lại rẻ, sợ chậm chân sẽ mất hàng nên vội vàng chuyển tiền, nhưng rồi đợi mòn mỏi mà không nhận được hàng.
Thủ đoạn giả mạo trang thương mại điện tử
Thời gian qua, công an TP.HCM cũng xác định xuất hiện các nhóm tội phạm hoạt động lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng bằng việc giao đơn hàng ảo và thu phí người mua hay cung cấp các dịch vụ có thu phí nhằm mục đích trục lợi cá nhân.
Đặc biệt, thời gian qua, thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức tri ân khách hàng hoặc thông báo trúng thưởng qua mạng đã khiến cho nhiều người dùng bị “sập bẫy”.
Cụ thể như rộ lên trong thời gian gần đây là thủ đoạn lừa đảo trúng thưởng từ các trang web giả mạo trang bán hàng trực tuyến Shopee như: https://taikhoan.nhanquatangshopee.com; www.xacnhangiaodich365.com; www.ketnoiidbank.com; www.lienketbankshopee.com.
Các đối tượng đã tận dụng hệ thống nhắn tin trên Shopee để gửi tin nhắn đến người tiêu dùng với nội dung như: “Shopee xin chúc mừng tài khoản xxxx đã may mắn nhận được thẻ quà tặng tiền mặt trị giá xxx triệu đồng.
Truy cập vào trang web www.mobilebanking-shopee.vn chọn đồng ý để xác nhận tài khoản nhận tiền của Shopee”.
Tuy nhiên, sau khi nạn nhân nhấp vào đường link trang web trên, thì được yêu cầu cung cấp thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng trực tuyến bao gồm cả mã OTP.
Khi có được thông tin, nhóm tội phạm sẽ đăng nhập trực tiếp trên trang web chính thức của hệ thống ngân hàng nhằm chiếm quyền sử dụng tài khoản và chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Lừa đảo qua App
Ngoài ra, một thủ đoạn lừa đảo khá phổ biến trong thời gian vừa qua là tội phạm đăng quảng cáo kiếm tiền tại nhà bằng cách tham gia các App quảng cáo trên mạng.
Khi tham gia, nạn nhân phải thực hiện bốn nhiệm vụ gồm: khu thực tập, khu sơ cấp, khu trung cấp và khu cao cấp tương ứng với mức hoa hồng lần lượt 2.0%, 3.0%, 4.0%, 7.0%.
Để tiếp tục, nạn nhân phải nạp tiền giá trị thấp (dưới hai triệu đồng) để thực hiện các nhiệm vụ ở “khu thực tập” hoặc “khu sơ cấp”.
Các đối tượng đã đánh bẫy vào lòng tham của người chơi khi khoảng 10 phút đầu thì tất cả nạn nhân đều kiếm được tiền lời và số tiền này đều được chuyển về tài khoản cá nhân.
Sau đó, do hám lợi nên một số nạn nhân tiếp tục nạp vào số tiền lớn hơn để thực hiện các nhiệm vụ ở “khu trung cấp” và “khu cao cấp” nhưng ở lần này sẽ không rút được tiền về tài khoản.
“Đâm lao phải theo lao” do đã trót nộp tiền, lúc này, app yêu cầu nạn nhân nộp thêm vào tài khoản thì mời rút được tiền về; tuy nhiên càng nộp tiền thì nạn nhân càng bị mất thêm tiền.
Theo công an TP.HCM, ngoài ra còn một thủ đoạn tương tự khác là: nạn nhân phải nộp tiền thật để mua các gói hàng trên website có giá trị từ 300.000 đồng đến 300 triệu đồng.
Nếu mỗi ngày có được 60 đơn hàng, nạn nhân sẽ được hưởng lãi từ 4 - 5%/ngày; sau một tháng tài khoản sẽ được nhân đôi.
Để mở rộng hệ thống, những mô hình trên các app này đã đưa ra các loại hoa hồng môi giới theo mô hình kim tự tháp.
Khi giới thiệu được người mới tham gia, theo tỷ lệ F0 hưởng 16% trên tổng số giá trị đơn hàng F1 nhận được, tương tự F1 nhận được 8% hoa hồng F2.
Tuy nhiên, đây chỉ là những chiêu trò huy động tiền trái phép có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam. Các website này được các đối tượng ẩn danh tổ chức hoạt động, không có đăng ký kinh doanh và có trụ sở tại Việt Nam.
Theo Công an TP.HCM, bản chất của những mô hình này là không có hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm và dịch vụ có giá trị sử dụng, mà hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền của người tham gia sau trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước./.
Theo PLO.VN