Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 2/4, tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh Covid-19) trên toàn thế giới là 933.688 trường hợp, trong đó có 46.869 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm bệnh đã phục hồi là 193.891 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 203 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Một người bệnh COVID-19 được khiêng bằng cáng thương lên trực thăng Caiman của quân đội Pháp từ Strasbourg ra nước ngoài điều trị ngày 30/3. Ảnh: Reuters.
Mỹ tiếp tục đứng đầu danh sách với hơn 213.908 ca. Tiếp theo là Italy với 110.574 ca. Bám sát Italy là Tây Ban Nha với 95.923 ca. Trung Quốc tiếp tục đứng ở vị trí thứ tư với 81.554 ca. Kế tiếp là Đức, Pháp, Iran, Anh, Thụy Sỹ.
Mỹ - ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới ghi nhận thêm 25.378 ca mắc và 735 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 213.908 ca và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 4.788 người.
Giới chức y tế Mỹ đã hối thúc người dân tuân thủ các chỉ thị ở trong nhà và các biện pháp khác nhằm ngăn chặn sự lây lan của chủng virus này. Tại bang New York, hệ thống bệnh viện lớn nhất của bang này là Northwell Health cho biết, 470 nhân viên của họ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, trong khi đó khu chăm sóc tích cực đã được lấp đầy 85%. Để ứng phó với dịch bệnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (1/4) kêu gọi quốc hội lưỡng viện nước này sớm thông qua gói ngân sách cho phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD. Ông khẳng định gói ngân sách 2.000 tỉ USD sẽ được sử dụng chủ yếu để tạo thêm việc làm và tái thiết, tu bổ cơ sở hạ tầng công cộng.
Trong khi đó, Italy – tâm chấn dịch bệnh ở châu Âu, đã ghi nhận thêm 4.782 ca nhiễm mới và 727 ca tử vong trong 24 giờ qua. Tổng số ca mắc bệnh tại Italy hiện tại là 110.574 trong đó có 13.155 ca tử vong. Italy hiện là nước có số ca mắc Covid-19 cao thứ 2 thế giới sau Mỹ và có số ca tử vong do dịch bệnh này cao nhất thế giới. Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Italy (ISS) Silvio Brusaferro cho rằng dựa trên đường cong dịch bệnh, dịch Covid-19 tại Italy đã lên đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, ông Brusaferro khẳng định đó không phải là điểm kết thúc, đồng thời cảnh báo dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nếu Italy ngừng các biện pháp ngăn chặn và cách ly tại chỗ.
Tại Tây Ban Nha, số ca mắc Covid-19 đã lên tới 104.118 sau khi nước này ghi nhận thêm 8.195 trường hợp trong ngày 1/4. Tây Ban Nha hiện là “ổ dịch” lớn thứ 2 ở châu Âu sau Italy. Trong 24 giờ qua, đã có 923 ca tử vong, nâng số ca tử vong do Covid-19 tại Tây Ban Nha lên đến 9.387 trường hợp.
Đức là nước bị ảnh hưởng lớn thứ 3 tại châu Âu do dịch Covid-19 với tổng số ca mắc lên đến 77.981 trong đó có 931 ca tử vong. Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 1/4 tuyên bố chính phủ liên bang và 16 bang tại quốc gia này đã nhất trí gia hạn biện pháp "giãn cách xã hội" cho đến ngày 19/4 để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Bà Merkel cũng cảnh báo sẽ có những hậu quả thảm khốc nếu các biện pháp hạn chế bị dỡ bỏ quá sớm, đồng thời cho biế,t chính phủ sẽ đánh giá lại tình hình sau Lễ Phục sinh.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Pháp tính đến hết ngày 1/4 là 56.989 sau khi ghi nhận thêm 4.861 ca mắc mới trong ngày. Trong khi đó, số ca tử vong là 4.023, tăng thêm 509 trường hợp. Bộ Y tế Pháp hôm qua (1/4) cho biết, nước này đã triển khai hai chiếc tàu cao tốc vận chuyển 36 bệnh nhân nhiễm virus SAR-CoV-2 từ từ Paris tới miền tây nước Pháp nhằm giảm bớt áp lực cho các bệnh viện đang bị quá tải tại khu vực thủ đô. Tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên bố một khoản đầu tư lên đến 4 tỷ euro để mua khẩu trang y tế, máy thở và thuốc men.
Anh cũng thêm 4.324 ca mắc và 563 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 1/4. Như vậy, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này hiện tại là 29.474 trường hợp, trong đó 2.352 ca tử vong.
Hôm nay vẫn tiếp tục là ngày tang tóc đối với Iran sau khi ghi nhận thêm 138 ca tử vong trong 24 giờ qua. Như vậy đến thời điểm hiện tại, Iran đã có tổng số 47.593 ca mắc, trong đó có 3.036 ca tử vong. Hiện Iran đứng thứ bảy trong danh sách 10 nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, Tổng thống Rouhani khẳng định lệnh trừng phạt của Mỹ không thể ngăn cản nỗ lực của Tehran trong phòng chống dịch COVID-19 vì nước này có khả năng tự sản xuất các thiết bị cần thiết phục vụ công tác chống dịch.
Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 tại nhiều nước châu Á có diễn biến xấu khi số ca mắc và ca tử vong liên tiếp gia tăng.
Indonesia vẫn là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất châu Á với hơn 8%. Trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 21 ca tử vong, nâng số ca tử vong lên đến 157 trên tổng số 1.677 ca mắc Covid-19.
Malaysia ghi nhận 2,908 ca mắc, trong đó có 45 ca tử vong.
Tại Philippines, số ca mắc bệnh cũng lên tới 2.311 trường hợp trong đó có 96 ca tử vong. Tổng thống Duterte đã ra lệnh phong tỏa toàn bộ khu vực Luzon từ ngày 17/3 - 13/4 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Còn tại Nhật Bản hiện đã có tổng số 2,384 ca mắc, trong đó có 57 ca tử vong. Phát biểu ngày 1/4, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố sẽ mở rộng lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân nước ngoài tới 73 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ, Anh và Canada, nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19, theo Reuters.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc đại lục là 81.554 trường hợp, trong đó có 3.312 ca tử vong. Trung Quốc đại lục là nơi đầu tiên trên thế giới bùng phát dịch Covid-19 nhưng giờ đã không còn là tâm dịch của thế giới. Các ca mới ghi nhận tại Trung Quốc đại lục trong ngày vẫn chủ yếu là các ca ngoại nhập. Tuy nhiên, nước này cũng cảnh báo về sự gia tăng các ca mắc không xuất hiện triệu chứng, làm phức tạp thêm tình hình dịch bệnh./.
Theo VOV.VN