Ảnh minh hoa
Thời gian gần đây, vẫn còn doanh nghiệp (DN) lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách để sử dụng HĐ không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp HĐ, nhằm thu lợi bất chính làm thất thu ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, có một số DN sử dụng HĐ trước thời điểm phát hành; xuất HĐ bán hàng nhưng không có hàng hóa, dịch vụ; có doanh thu biến động lớn, sử dụng nhiều HĐ nhưng không phát sinh số thuế phải nộp hoặc số thuế phải nộp không tương xứng với doanh thu; thành lập DN nhưng không có trụ sở tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế; hợp đồng thuê nhà làm trụ sở DN nhưng không hoạt động tại địa chỉ đăng ký; thuê nhà thực hiện gắn biển hiệu tên DN không có trụ sở; DN báo cáo sử dụng HĐ có số lượng sử dụng bằng 0,... Từ đó, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong công tác quản lý, sử dụng HĐ và quản lý thuế.
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh - Nguyễn Văn Thủy cho biết: Để chấn chỉnh những tồn tại trong công tác quản lý và tăng cường các biện pháp phòng ngừa, xử lý đối với NNT có rủi ro về hành vi sử dụng HĐ không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp HĐ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương của công chức thuế trong thi hành công vụ; ngăn chặn kịp thời việc thành lập DN để mua bán HĐ trái phép, thu lợi bất chính làm thất thu ngân sách nhà nước, Cục Thuế đã yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Thuế triển khai, thực hiện nghiêm túc đầy đủ các nội dung tại Công văn số 2838/TCT-KTNB, ngày 28/7/2021 của Tổng cục Thuế về việc chấn chỉnh, kiểm tra, rà soát, có biện pháp phòng ngừa xử lý đối với NNT có rủi ro về hành vi mua bán, sử dụng HĐ bất hợp pháp.
Chỉ đạo các bộ phận, công chức thuế đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc nhận diện hành vi mua bán, sử dụng HĐ bất hợp pháp và chế tài xử lý đối với từng hành vi để NNT biết và tránh tham gia vào các giao dịch mua, bán HĐ; phối hợp các đơn vị truyền thông thực hiện công khai thông tin DN có hành vi mua bán HĐ (nếu có) đế góp phần cảnh tỉnh các đối tượng đã và đang có ý định vi phạm pháp luật về HĐ. Tăng cường rà soát, giám sát chặt chẽ, kịp thời đối với DN có rủi ro cao về hành vi in, phát hành, sử dụng HĐ, thực hiện kiểm tra, xử lý ngay hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Đối với DN mới thành lập, phải phối hợp kiểm tra, xác minh chặt chẽ tình trạng hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế khi thông báo phát hành và sử dụng HĐ, để ngăn chặn, xử lý kịp thời DN có dấu hiệu mua bán HĐ (nếu có); tiếp tục triển khai các giải pháp của cơ quan thuế để ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng HĐ của NNT theo hướng dẫn tại Công văn số 2866/CT-TTKT1, ngày 08/10/2020; Công văn số 1432/CT-TTKT3, ngày 14/5/2021 và Công văn số 1844/CT-TTKT3, ngày 14/6/2021 của Cục Thuế.
Ảnh minh họa
Các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Thuế tập trung chỉ đạo các bộ phận, công chức thuế tăng cường rà soát các DN có rủi ro cao về thuế; DN đang sử dụng HĐ tự in, đặt in có hành vi vi phạm về HĐ bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế, thực hiện mua HĐ của cơ quan thuế theo quy định tại khoản 1, 2, Điều 11 Thông tư số 39/2014/TT-BTC, ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về HĐ bán hàng hóa, dịch vụ. Tăng cường thu thập, khai thác thông tin, rà soát, đánh giá những DN có rủi ro cao về HĐ để thực hiện thanh, kiểm tra HĐ đúng đối tượng, có trọng tâm theo quy định.
Thường xuyên phối hợp chặt chẽ cơ quan công an, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chủ động phối hợp cơ quan cảnh sát điều tra hoặc chuyển hồ sơ xử lý theo quy định đối với NNT có hành vi sử dụng HĐ không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp HĐ, để ngăn chặn kịp thời và có biện pháp phòng ngừa, tránh thất thu cho ngân sách.
Ngoài ra, các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Thuế tăng cường công tác quản lý công chức, thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ của công chức, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; kiên quyết xử lý nghiêm minh công chức sai phạm về HĐ và đưa ra khỏi ngành những công chức yếu kém về năng lực, trình độ, thiếu ý thức trách nhiệm, vi phạm 10 điều kỷ luật đối với công chức, viên chức ngành Thuế theo quy định tại Quyết định số 1036/QĐ-TCT, ngày 10/6/2013 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Đồng thời, chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phẩm chất đạo đức của công chức, ưu tiên đào tạo công chức làm việc tại các bộ phận thường xuyên tiếp xúc với NNT và làm công tác thanh, kiểm tra nhằm phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro, hậu quả trong quá trình thực thi công vụ của công chức.
Bên cạnh việc chỉ đạo trong ngành, Cục Thuế tỉnh cũng đã có công văn hướng dẫn NNT nhận biết được thế nào là HĐ hợp pháp, sử dụng HĐ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp HĐ; vi phạm về việc sử dụng HĐ không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp HĐ thì bị xử lý như thế nào; các dấu hiệu của HĐ không hợp pháp, giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa để NNT không sử dụng HĐ không hợp pháp và tránh tham gia vào các giao dịch mua bán HĐ./.
Người bán và người mua nếu có vi phạm về sử dụng hóa đơn không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn đều bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn; trường hợp hành vi vi phạm về hóa đơn dẫn đến hành vi trốn thuế thì xử phạt về hành vi trốn thuế. Đồng thời, tất cả hóa đơn không hợp pháp đã sử dụng và chưa sử dụng đều phải thu hồi, hủy.
Hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn được xác định trước ngày 05/12/2020 thì bị xử phạt theo Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; Nghị định số 49/2016/NĐ-CP, ngày 27/5/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP; Thông tư số 10/2014/TT-BTC, ngày 17/01/2014 của Bộ Tài chính về xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn; Thông tư số 176/2016/TT-BTC, ngày 31/10/2016 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2014/TT-BTC.
Trường hợp hành vi vi phạm được xác định kể từ ngày 05/12/2020 thì bị xử phạt theo Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
|
Thanh Tuyền