Thời gian qua, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, nhiều vụ án xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm, sinh lý cho nạn nhân và bức xúc trong nhân dân. Để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tình trạng này, các cấp, các ngành cần triển khai ngay, áp dụng các biện pháp cần thiết và quyết tâm đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống.
Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực từ ngày 01/6/2017 với nhiều quy định mới, cụ thể về bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng. Do đó, các cấp, các ngành sớm đẩy mạnh triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về luật nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền, nhà trường, gia đình và trẻ em về mối nguy hiểm và hậu quả của các yếu tố, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trách nhiệm phát hiện thông tin, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; về các cơ quan, địa chỉ có trách nhiệm tiếp cận thông tin vụ việc và hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại,...
Bên cạnh việc triển khai phải có kế hoạch, chương trình ngắn hạn, dài hạn cụ thể, chú trọng việc lồng ghép nội dung truyền thông vào sinh hoạt ở các đoàn thể, khu phố, ấp; tổ chức diễn đàn về các giải pháp tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và nhiều loại hình giải trí, vui chơi bổ ích, lành mạnh, thu hút các em tham gia sinh hoạt tập trung. Tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong triển khai thực hiện các quy định của luật, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết cho trẻ em.
Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo điều kiện cho mọi trẻ em có cơ hội bình đẳng tiếp cận các dịch vụ xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa để xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp tạo nguồn lực góp phần thực hiện các mục tiêu chương trình hành động vì trẻ em./.
Nhất Vĩnh