Tiếng Việt | English

26/05/2018 - 14:33

Đại biểu Quốc hội tranh luận về phiên tòa xét xử vụ án chạy thận

Phiên tòa xét xử vụ án làm 9 người tử vong khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã được một đại biểu Quốc hội nêu ra và ba đại biểu tranh luận tại phiên thảo luận ở hội trường về kinh tế-xã hội, quyết toán ngân sách Nhà nước, của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, diễn ra sáng 26/5.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình Nguyễn Tiến Sinh phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) tỏ ý băn khoăn về việc kết tội bác sỹ Hoàng Công Lương (bác sỹ thuộc Khoa Điều trị tích cực - Đơn nguyên thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa Hòa Bình) sẽ ảnh hưởng tới nền y tế, đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời thêm về vấn đề này. 

Đại biểu cho rằng bác sỹ Hoàng Công Lương có thể vô tội. Bên cạnh đó, cần có biện pháp ngăn chặn bạo hành bác sỹ. 

Tranh luận nội dung này, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng việc các đại biểu quan tâm về những vấn đề của vụ án là rất cần thiết nhưng có nhiều đại biểu đánh giá, kết luận có dấu hiệu oan sai thậm chí dẫn dắt dư luận là có tội hay không có tội. 

"Phát ngôn như vậy trong khi Tòa án đang xét xử là rất cảm tính và không thực sự phù hợp. Bởi vì Tòa án đang trong quá trình tranh tụng và luận tội, Tòa án chưa đưa ra phán quyết nào cả. Phát ngôn như vậy không mang lại sự thuận lợi và sự giải quyết đúng đắn, thậm chí định hướng cho dư luận tạo sức ép không cần thiết lên hoạt động đúng đắn của cơ quan tham gia giải quyết," đại biểu nói. 

Khẳng định quá trình tố tụng hiện nay chặt chẽ và đảm bảo, Tòa đủ khả năng đảm bảo quyền con người và quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nêu quan điểm: "Nếu đại biểu Quốc hội thấy có cơ sở và căn cứ giúp các cơ quan bảo vệ pháp làm sáng tỏ vụ việc thì pháp luật cũng có quy định để đại biểu tham gia giải quyết vụ án một cách chính danh,” ông Sinh nói thêm. 

Ngay sau phát biểu của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) thể hiện sự không đồng tình. 

Qua theo dõi vụ việc, với tư cách là một giáo sư trong ngành y tế, một người thầy giáo làm công tác giảng dạy trong ngành y, đại biểu Tuấn khẳng định đây là vụ việc không chỉ được cán bộ, nhân viên ngành y theo dõi sát sao, cử tri cũng rất quan tâm sự minh bạch, khách quan, công tâm của phiên xét xử.

"Chúng ta không thể xử lý trách nhiệm của một người khi họ không được giao trách nhiệm. Chúng ta không thể quy tội cho một người thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi họ thực hiện một quy trình mà thật ra quy trình có không có, hay nói đúng là chỉ vừa có hồi tháng 4/2018. Chúng ta không thể quy trách nhiệm cho 1 bác sỹ chỉ biết cứu người mà làm đúng chức trách nhiệm vụ của họ. Tôi mong phiên tòa sẽ mang lại tiếng nói công minh, mang lại lòng tin của các nhân viên y tế, một tiếng nói từ lương tri, khách quan để bảo vệ cho công lý, bảo vệ cho các thầy thuốc đang ngày đêm âm thầm cứu chữa người bệnh,” đại biểu Nguyễn Quang Tuấn đề đạt. 

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định phát biểu của các đại biểu không định hướng dư luận. 

"Chúng tôi không nói đúng hay sai, chúng tôi phát ngôn là thể hiện quyền của đại biểu. Đây không phải định hướng cho tòa, tất cả sẽ được xử theo pháp luật và sự việc phải được nhìn trên khía cạnh toàn diện. Chúng ta đều là con người, tòa cũng có thể có sai lầm hoặc chưa lắng nghe được ý kiến của các bên. Chúng tôi phát ngôn và chịu trách nhiệm trước phát ngôn của mình."

Đại biểu Phong Lan dẫn chứng nếu không có dư luận, vụ án VN Pharma bán thuốc ung thư giả có được Tòa cấp cao xem lại hay không? Chúng ta đang sống trong một xã hội dân chủ, mọi ý kiến phải được tôn trọng; các đại biểu Quốc hội không định hướng cho Tòa; nếu tòa xử đúng là vẫn là đúng. Sự việc này ảnh hưởng tới tâm tư của toàn bộ nhân viên ngành y tế. 

Các đại biểu mong muốn tòa xử đúng người đúng tội; mong những người trong ngành có tiếng nói bảo vệ lẽ phải, bảo vệ nhân viên của mình nếu họ làm đúng./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết