Tiếng Việt | English

05/04/2021 - 15:02

Đàm phán hạt nhân Iran tại Vienna (Áo): Lạc quan thận trọng

Thế giới đang dồn nhiều sự quan tâm tới vòng đàm phán hạt nhân giữa nhóm P5+1 với Iran tại Vienna, Áo vào ngày mai (6/4), với hy vọng có thể “hồi sinh thỏa thuận thế kỷ” được ký vào năm 2015.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán này được dự báo sẽ diễn ra không hề dễ dàng, nếu cả Mỹ và Iran không đưa ra những “nhượng bộ lớn”. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi – trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran hôm qua (4/4) khẳng định, nước này sẽ không đàm phán trực tiếp hay gián tiếp với các đại diện của Mỹ tại Vienna, Áo lần này. Giới chức châu Âu cũng đã xác nhận, một cuộc gặp như vậy, vốn rất được kỳ vọng, sẽ không diễn ra như mong đợi.


Nhà máy hạt nhân Bushehr ở Iran. Ảnh: Reuters.

Theo đó, Iran sẽ chỉ đàm phán với Ủy ban liên kết và các nước nhóm P4+1 (gồm Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga và Đức), để nêu ra các yêu cầu, điều kiện của Iran về việc quay trở lại tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân.

Theo Thứ trưởng Araqchi, Iran sẽ không chấp nhận bất kỳ kế hoạch “từng bước nào” để khôi phục thỏa thuận hạt nhân và chỉ chấp nhận việc dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt mà chính quyền tiền nhiệm Mỹ đã áp đặt đối với Tehran.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã kêu gọi các nước châu Âu tham gia đàm phán lần này phải có tinh thần “xây dựng”, khẳng định lập trường từ trước đến  nay về thỏa thuận hạt nhân của nước này sẽ không thay đổi. Ông yêu các nước châu Âu phải hành động, thực thi mọi nghĩa vụ trong thỏa thuận và dừng thực thi các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab và Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức để các cuộc đàm phán tại Áo có kết quả. Tuy nhiên, với việc Mỹ và Iran không gặp mặt trực tiếp, giới phân tích cho rằng, lần đàm phán hạt nhân lần này có lẽ mới chỉ là sự “khởi đầu” trong mục tiêu “hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015” trong vòng 2 tháng tới.

Người phát ngôn Chính phủ Mỹ (Nhà Trắng) Jen Psaki cũng đã thừa nhận thực tế này:“Chúng tôi nhận thức rõ về những trở ngại còn tồn tại. Các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức giữa các nhóm làm việc do EU thành lập, bao gồm cả Iran. Các vấn đề chính sẽ được thảo luận là những bước đi hạt nhân mà Iran cần thực hiện để quay trở lại tuân thủ thỏa thuận, cũng như những bước giảm nhẹ trừng phạt mà Mỹ cũng cần thực hiện. Tôi không chắc chắn về 1 cuộc gặp giữa Mỹ và Iran, song chúng tôi luôn cởi mở”.

Dư luận thế giới đánh giá, vấn đề hạt nhân Iran đang ngày 1 nghiêm trọng hơn.  Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố, nước này có thể làm giàu urani có độ tinh khiết lên tới 60% trong trường hợp cần thiết, thay vì trong giới hạn 20%.

 Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan  cũng cho rằng, mỗi ngày trôi qua, Iran sẽ tiến gần hơn tới việc có được vũ khí hạt nhân: “Theo quan điểm của chúng tôi, ưu tiên trước mắt - đó là phải đối phó với cuộc khủng hoảng hạt nhân đang leo thang với Iran khi nước này đang tiến tới việc có đủ nguyên liệu để sản xuất vũ khí. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng, chúng tôi sẽ tái lập một số các cam kết, có tính ràng buộc xung quanh vấn đề hạt nhân Iran – vốn đã bị loại bỏ trong suốt hai năm qua.”

Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, giới quan sát hy vọng, các bên tham gia đàm phán lần này, đặc biệt là Mỹ và 3 nước châu Âu sẽ có những “nhượng bộ” để đưa Iran quay trở lại đúng hướng. Tuy nhiên, triển vọng đó đến nay thực sự vẫn chưa hề rõ ràng./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết