Chỉ đạo của Thủ tướng được dư luận rất hoan nghênh, bởi đằng sau việc chúc tết ấy có biết bao điều tiếng trong xã hội.
Đầu năm 2014, Ban Bí thư có văn bản nghiêm cấm việc các cấp ủy, chính quyền tặng quà tết cho cấp trên; cấm sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động trong dịp tết trái quy định. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng lợi dụng việc chúc tết để quà cáp, biếu xén nhau vẫn còn. Dịp tết còn là cơ hội cho những kẻ nịnh nọt, chạy chức, chạy quyền,... và những cán bộ biến chất, tham ô, tham nhũng dùng công quỹ để thực hiện động cơ, mục đích cá nhân. Từ những bức xúc đó, dư luận xã hội ủng hộ cao chỉ đạo của Thủ tướng, góp phần ngăn chặn nạn quà cáp hối lộ cấp trên.
Việc ngày tết, cây bánh, gói trà chúc tết lẫn nhau bày tỏ sự quý trọng, thắt chặt thâm tình là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Tuy nhiên, nét đẹp ấy chỉ được phát huy trong mối quan hệ họ hàng, thân tộc, bạn bè, tình làng nghĩa xóm, còn trong mối quan hệ giữa cấp dưới với cấp trên, đã bị không ít người lợi dụng để làm những việc bất chính. Sự biến tướng trong việc tặng quà tết ngày càng gây bức xúc trong dư luận, giảm lòng tin của nhân dân vào cán bộ, đảng viên. Do đó, cần có thuốc “đặc trị”.
Ngăn chặn nạn quà cáp hối lộ là điều nên làm và cần thực hiện kiên quyết. Mỗi cán bộ, đảng viên phải ý thức cao trong việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng để xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Chúng ta đang nỗ lực xây dựng một nền hành chính phục vụ, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng thì việc cấm tặng quà tết phải được thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó, tai, mắt nhân dân có vai trò vô cùng quan trọng, kịp thời phát hiện, phản ánh, góp phần ngăn chặn những việc làm không hay trong đội ngũ “công bộc” của mình.
Ngày tết với nhiều truyền thống tốt đẹp, trong đó có việc thăm hỏi, chúc tết lẫn nhau. Những ai cố tình biến những điều tốt đẹp ấy thành điều không đẹp, gây điều tiếng trong xã hội là có tội với tiền nhân./.
Khánh Tâm