Tạo đầu ra ổn định
Mấy ngày nay, anh Phan Thành Đảo - thành viên Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Bến Kè (ấp Đông Hòa, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa), phấn khởi vì ruộng khoai mỡ vừa thu hoạch có lãi cao.
Anh Đảo “khoe”: “Tôi vừa thu hoạch 7ha khoai mỡ trắng được trên 140 tấn, bán giá 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lãi trên 800 triệu đồng”.
Phân loại khoai mỡ để chuẩn bị giao cho khách hàng tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bến Kè (huyện Thạnh Hóa)
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Kè - Phan Thành Dũng cho biết: “HTX hiện có 12 thành viên trồng 40ha khoai mỡ trắng và liên kết với nông dân trong vùng trồng thêm 60ha theo hướng VietGAP, bình quân mỗi năm thu hoạch từ 1.500-1.700 tấn/100ha và được bao tiêu với giá ổn định 10.000 đồng/kg cả năm. Ngoài ra, HTX còn liên kết nhiều nông dân trồng khoai tím và hướng dẫn sản xuất theo hướng VietGAP, thu mua để đủ nguồn cung cho khách hàng trong nước. Kết quả này là nhờ ngành công thương, nông nghiệp, khoa học và công nghệ hỗ trợ rất nhiều trong xây dựng thương hiệu, kỹ thuật canh tác và kết nối giao thương”.
Hiện tại, HTX Bến Kè cung cấp bình quân trên 2.000 tấn khoai mỡ/năm; trong đó, 700 tấn vào các siêu thị trên địa bàn TP.HCM, một số tỉnh khác và 1.300 tấn bán cho doanh nghiệp (DN) ở các tỉnh: Tây Ninh, Đồng Nai, Lâm Đồng,... sơ chế xuất khẩu đi nhiều nước. Hiện, nguồn khoai tím cung cấp trong nước ổn định, còn khoai trắng chưa đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Vì vậy, ông Dũng đang tiến hành liên kết rộng hơn với nông dân trồng khoai trắng nhằm bảo đảm nguồn cung.
Hiện tại, HTX mua khoai trắng 10.000 đồng/kg, khoai tím 11.000 đồng/kg. Tuy vậy, người trồng khoai trắng có lãi cao hơn trồng khoai tím từ 30-40 triệu đồng/ha, bởi năng suất khoai trắng bình quân 20 tấn/ha (do củ to, chất lượng tốt và chi phí giống đầu vào thấp), còn khoai tím năng suất bình quân 15 tấn/ha (củ nhỏ, chi phí giống đầu vào cao). Nhưng hiện nay, nông dân chưa mạnh dạn trồng khoai trắng vì có thời điểm đầu ra không có.
Công ty (Cty) TNHH MTV Lương Thực Vĩnh Hưng (trực thuộc Cty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, tỉnh An Giang) triển khai thực hiện cánh đồng lớn từ vụ Đông Xuân 2012-2013 đến nay.
Giám đốc Cty TNHH MTV Lương Thực Vĩnh Hưng - Huỳnh Công Tâm cho biết: “Vụ Đông Xuân 2017-2018, Cty liên kết với khoảng 1.000 nông dân huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường thực hiện cánh đồng lớn với trên 2.500ha và giữ nguyên diện tích này trong vụ Hè Thu 2018, dự kiến ngày 20/7/2018, nông dân bắt đầu thu hoạch lúa. Khi thực hiện cánh đồng lớn, công ty cung ứng giống xác nhận, vật tư nông nghiệp cho nông dân đến cuối vụ không tính lãi. Nông dân được lực lượng “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) tư vấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học - kỹ thuật suốt quá trình canh tác. Khi thu hoạch, Cty thu mua toàn bộ lượng lúa ký hợp đồng với nông dân, chốt giá trước 10 ngày. Thời gian qua, hình thức liên kết này được chính quyền địa phương ủng hộ, nông dân tin tưởng vì giảm chi phí sản xuất và không lo đầu ra nông sản”.
Hình thức liên kết cánh đồng lớn trên cây lúa được chính quyền địa phương ủng hộ, nông dân tin tưởng vì giảm chi phí sản xuất và không lo đầu ra khi thu hoạch. Ảnh: Văn Đát
Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cho biết: “Việc liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản là mắt xích quan trọng trong cung ứng thực phẩm đến tay người tiêu dùng. Để đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, đòi hỏi phải có sự hợp tác của người sản xuất, DN, cơ quan quản lý. Từ năm 2016 đến nay, sở phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhiều chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa DN, HTX của tỉnh với TP.HCM. Kết quả, có trên 200 biên bản ghi nhớ, hợp đồng nguyên tắc được ký kết; gần 100 hợp đồng được triển khai thực hiện (đạt trên 41%)”.
Cần thay đổi tập quán canh tác
Một trong những khó khăn hiện nay trong liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản là nông dân chưa thay đổi tập quán canh tác, chưa tham gia sản xuất hàng hóa quy mô lớn và rải vụ theo kế hoạch của DN bao tiêu.
Giám đốc HTX Thanh long Vạn Thành (huyện Châu Thành) - Nguyễn Vạn Thành chia sẻ: “Dù có nhiều đối tác là thị trường khó tính (châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật,...) nhưng HTX khó chủ động được nguồn hàng để cung cấp. Nhiều lần, HTX bỏ qua một số đơn hàng vì hiện tại, rất ít nông dân trồng thanh long hợp đồng với HTX sản xuất hàng “sạch”, rải vụ và bán giá cố định. Vì vậy, tình trạng thanh long “đầy đồng” nhưng HTX “khan hiếm” nguồn hàng để xuất khẩu sang thị trường khó tính thường xuyên xảy ra. Trong khi đó, thanh long HTX thu mua để xuất khẩu sang thị trường khó tính luôn cao hơn giá sàn bình quân 5.000-7.000 đồng/kg. Nếu thay đổi tập quán canh tác, rải vụ theo đơn hàng của HTX, chắc chắn người trồng thanh long không lo đầu ra nông sản và có thu nhập ổn định hơn”.
Khách hàng tham quan, dùng thử cơm tại Lễ hội Lúa gạo và Triển lãm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ I năm 2018 tại tỉnh Long An. Đây là cơ hội để doanh nghiệp và khách hàng tìm kiếm cơ hội hợp tác, sản xuất
Nông trang Hải Âu (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) mấy năm nay trồng, thu mua, xây dựng thương hiệu chanh Vica cung cấp thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đại diện nông trang - Nguyễn Hải Âu cho rằng: “Nông dân hiện chưa quen sản xuất hàng hóa lớn, còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều nên chất lượng sản phẩm chưa bảo đảm, chưa phù hợp yêu cầu thị trường. Các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp nông dân nâng cao nhận thức. Nếu không, nông sản không chỉ khó xuất khẩu mà thị trường trong nước cũng khó chấp nhận”.
Là đơn vị thực hiện cánh đồng lớn lâu năm tại Long An nhưng Cty TNHH MTV Lương Thực Vĩnh Hưng còn gặp khó khăn. Ông Huỳnh Công Tâm chia sẻ thêm: “Hiện có không ít nông dân tham gia cánh đồng lớn nhưng chưa thay đổi tập quán sản xuất, còn canh tác theo tập quán cũ như sạ lan, lượng giống sử dụng cho mỗi hécta cao, bón phân nhiều và không tuân theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Mặt khác, sự cạnh tranh từ các đầu mối bao tiêu, hệ thống đại lý và thương lái bên ngoài vẫn còn nên khi giá lúa chênh lệch, nông dân sẵn sàng “bẻ kèo””.
Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cho biết thêm: “Để sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững, sở tiếp tục thực hiện xúc tiến tiêu thụ hàng hóa, kết nối cung - cầu; đồng thời, phối hợp ngành liên quan tuyên truyền nông dân thay đổi tập quán sản xuất, triển khai các chính sách hỗ trợ: Xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, nhà sản xuất, kênh phân phối nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, khi bắt tay liên kết, các thành phần tham gia chuỗi liên kết phải tạo dựng chữ tín, thực chất hóa các mối liên kết để cùng hưởng lợi”./.
Mai Hương