
Toàn tỉnh đã thực hiện 8 mô hình điểm thuộc Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030
Chuyển đổi để thích ứng
Những năm gần đây, sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh có nhiều thay đổi tích cực. Diện tích gieo sạ hàng năm đạt hơn 500.000ha, sản lượng hơn 2,7 triệu tấn. Tuy nhiên, phần lớn diện tích vẫn canh tác theo hướng truyền thống, năng suất và chất lượng chưa đồng đều, khả năng chống chịu thời tiết còn thấp.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng sử dụng giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày và có khả năng kháng sâu, bệnh tốt; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, hệ thống tưới tiết kiệm, cơ giới hóa đồng bộ trong khâu gieo trồng và thu hoạch.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, Long An đang là 1 trong 12 tỉnh, thành phố Vùng Ðồng bằng sông Cửu Long thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Trong vụ Đông Xuân 2024-2025, Sở phối hợp Công ty Cổ phần MTK Hữu Thành và Công ty TNHH Một thành viên Tư Sang thực hiện 8 mô hình điểm với diện tích 121,4ha. Đến nay, đã thu hoạch 6 mô hình với diện tích 101,3ha tại các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Đức Huệ, Thủ Thừa; còn 2 mô hình tại huyện Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường đang tiếp tục theo dõi.
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Đồng Đưng (xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường) - Nguyễn Minh Tâm thông tin: “HTX có 4ha lúa trong số 10ha lúa thực hiện mô hình điểm của tỉnh thuộc Đề án. Sau thời gian canh tác, hiệu quả mang lại khá tích cực, lượng giống, phân bón và thuốc đều giảm so với canh tác truyền thống. Năng suất lúa trong mô hình từ 8-9 tấn/ha, bằng năng suất lúa ngoài mô hình nhưng chi phí sản xuất thấp hơn từ 2-2,5 triệu đồng/ha”.
Ngoài ra, HTX cũng sẵn sàng thay đổi quan niệm canh tác, hướng tới sản xuất xanh, cho năng suất cao. HTX không đốt rơm trên đồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng được nguồn rơm để tụ dưới gốc cây mít, sầu riêng, dùng chế phẩm sinh học phân hủy làm phân bón cho cây trồng.
Tăng cường liên kết chuỗi sản xuất

Nông dân thu hoạch lúa Đông Xuân 2024-2025
Hiện nay, điểm nghẽn lớn nhất trong sản xuất lúa vẫn là vấn đề liên kết tiêu thụ. Điều này khiến việc điều tiết cung - cầu, kiểm soát chất lượng và xây dựng thương hiệu lúa gạo của tỉnh gặp khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang đẩy mạnh mô hình liên kết “4 nhà” (nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - Nhà nước); đồng thời, củng cố và phát triển các HTX kiểu mới.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) - Trương Hữu Trí chia sẻ: “HTX hiện có 120 thành viên sản xuất 464ha, tham gia mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ với doanh nghiệp thu mua lúa xuất khẩu. Tuy nhiên, HTX còn hạn chế về năng lực tài chính và trang thiết bị bảo quản sau thu hoạch”.
Theo các chuyên gia, khi nông dân tham gia chuỗi giá trị từ khâu đầu vào đến đầu ra, giá trị sản phẩm sẽ được nâng lên đáng kể; đồng thời, giúp ổn định sản xuất và hạn chế tình trạng “được mùa, rớt giá”.
Song song đó, một trong những nguyên nhân khiến gạo Long An chưa đạt giá trị như kỳ vọng là tỷ lệ chế biến sâu còn thấp, chủ yếu xuất thô với giá trị gia tăng không cao. Do đó, phát triển công nghiệp chế biến lúa gạo là bước đi chiến lược.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường - Đinh Thị Phương Khanh, thời gian qua, tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu và ưu tiên thu hút đầu tư vào các nhà máy chế biến gạo chất lượng cao, gạo đặc sản và gạo hữu cơ. Song song đó, hệ thống kho chứa, logistics và trung tâm phân phối cũng được quan tâm đầu tư nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch.
Bên cạnh sản xuất và chế biến, việc xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của ngành hàng lúa gạo. Gạo Long An hiện đã có mặt tại hơn 30 quốc gia, tuy nhiên chủ yếu dưới tên thương hiệu của doanh nghiệp xuất khẩu.
Cùng với đó, vấn đề môi trường trong sản xuất lúa cũng đang là một thách thức lớn. Trong đó, đốt rơm rạ sau thu hoạch, lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật đã ảnh hưởng đến chất lượng đất, nguồn nước và không khí.
“Ngành Nông nghiệp tỉnh đang phối hợp ngành liên quan triển khai mô hình xử lý rơm rạ bằng vi sinh; đồng thời, khuyến khích nông dân sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân bón hóa học. Mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 50% diện tích trồng lúa sử dụng phương pháp canh tác thân thiện với môi trường” - bà Đinh Thị Phương Khanh thông tin.
Phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững không đơn thuần là tăng sản lượng mà là hướng đến sự hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường để nông dân được bảo đảm thu nhập, doanh nghiệp có lợi nhuận và người tiêu dùng được tiếp cận sản phẩm chất lượng, an toàn./.
Bùi Tùng