Tiếng Việt | English

24/11/2015 - 16:41

Để người tiêu dùng an tâm dùng sản phẩm sạch

Vì lợi nhuận một số người sử dụng hóa chất trong sản xuất rau, củ, quả và tăng trọng lượng các loại thịt, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng (NTD). Trước tình hình trên, ngành chức năng khuyến cáo người dân cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hiệu quả và không sử dụng chất cấm trong nông nghiệp nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cho NTD.


Nông dân cần sử dụng thuốc BVTV đúng mục đích và hiệu quả

Cần phát triển sản xuất nông nghiệp sạch

Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) - Trần Thanh Minh cho biết: “Trong điều kiện áp lực dịch hại cây trồng ngày càng phức tạp, định hướng phát triển ngành nông nghiệp (năng suất, chất lượng, an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường), việc quản lý dịch hại cây trồng phải tổng hợp bằng nhiều biện pháp, trong đó sử dụng thuốc BVTV chiếm vị trí đặc biệt. Do đó, việc sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả góp phần nâng cao hiệu quả canh tác, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sống. Thuốc BVTV thường là các chất hóa học có độc tính cao nên mặt trái của nó là rất độc hại với sức khỏe cộng đồng và là đối tượng có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường sinh thái nếu không được quản lý chặt chẽ và sử dụng đúng cách. Dư lượng thuốc BVTV quá giới hạn cho phép trong nông sản, thực phẩm là mối đe dọa đối với sức khỏe con người. Vì vậy, giải quyết hài hòa giữa việc sử dụng thuốc BVTV với việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường là một thức lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước về thuốc BVTV. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần phát triển nhiều hơn nữa các mô hình sản xuất an toàn theo hướng VietGAP”.

Hiện nay, việc bơm nước vào heo, bò, gia cầm trước khi giết mổ hay tình trạng giết mổ heo, bò, gia cầm không bảo đảm VSATTP vẫn còn tái diễn, gây tâm lý hoang mang, e ngại cho NTD. Đặc biệt, NTD càng lo lắng hơn trước việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản - Nguyễn Văn Cường cho biết: “Hiện toàn tỉnh có 3.077 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông, lâm, thủy sản. Thời gian qua, ngành đã tổ chức kiểm tra, đánh giá xếp loại 2.666/3.077 cơ sở. Từ đầu năm 2015 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập nhiều đoàn thanh tra liên ngành tổ chức kiểm tra 1.805 lượt cơ sở, xử lý 284 trường hợp vi phạm, phạt tiền 1.056 triệu đồng. Ngành kịp thời xử lý, xác minh thông tin mất an toàn thực phẩm theo phản ánh: 6 hộ kinh doanh sản phẩm thịt sử dụng chất ướp thịt Sodium bisulfide (không phát hiện); kiểm tra 20 cơ sở kinh doanh, thu 3 mẫu kiểm tra chỉ tiêu chất lượng gạo (không phát hiện); kiểm tra 6 cơ sở, thu 6 mẫu chà bông thịt kiểm tra chỉ tiêu Cyclamate (phát hiện 4 mẫu nhiễm Cyclamate). Trong tháng 11-2015, ngành kiểm tra 3 đợt với 187 lượt trên các lĩnh vực: Phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng, chăn nuôi, thuốc thú y và thú y. Qua kiểm tra, đã xử phạt 11 trường hợp vi phạm hành chính, với số tiền 49.800.000 đồng”.

Để có sản phẩm an toàn, hợp vệ sinh

Để mỗi bữa ăn bảo đảm VSATTP thì kiến thức của NTD hết sức quan trọng; không chỉ nhận biết, lựa chọn đúng thực phẩm bảo đảm an toàn mà trong chế biến, bảo quản thực phẩm cần thực hiện cho đúng. Bên cạnh đó, chính NTD sẽ là “kênh” thông tin quan trọng để phát hiện những cơ sở, người kinh doanh, chế biến, sản xuất không bảo đảm chất lượng, thông tin cho ngành chức năng xử lý kịp thời, góp phần loại trừ những thực phẩm không bảo đảm VSATTP ra khỏi bữa ăn của chính gia đình mình và cộng đồng.


Không sử dụng chất cấm trong chế biến để người tiêu dùng an tâm chọn sản phẩm sạch

UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các ngành tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cơ quan chức năng, cơ sở sản xuất, kinh doanh tuân thủ về quy định bảo đảm VSATTP, NTD hiểu và ủng hộ sản phẩm an toàn. Thời gian thực hiện đợt cao điểm hành động năm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp từ tháng 10 đến ngày 29-2-2016. Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, lấy mẫu giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn khi đến tay NTD; tái kiểm tra 100% các cơ sở xếp loại C và xử lý dứt điểm các cơ sở bị xếp loại C; xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất - tiêu thụ và quảng bá sản phẩm an toàn có xác nhận.

Công văn của UBND tỉnh cũng đề nghị UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị-xã hội tuyên truyền, phổ biến về VSATTP, vận động người dân tham gia tố giác khi phát hiện các trường hợp sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc BVTV cấm, giả ngoài danh mục./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết