Tiếng Việt | English

25/12/2018 - 09:40

Để tín dụng đen không còn “đất” sống

Lợi dụng sự khó khăn về kinh tế của một bộ phận người dân, các đối tượng cho vay tiền với lãi suất cao, buộc người vay phải ký kết hợp đồng chuyển nhượng hoặc ký giấy ủy quyền (được chứng thực bởi cơ quan công chứng) để người cho vay được toàn quyền định đoạt tài sản. Với thủ tục đơn giản, chỉ cần cung cấp giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và cho người cho vay biết nhà là có thể vay được tiền. Có trường hợp cho vay tiền “núp bóng” dưới hình thức bán trả góp điện thoại di động.

Hoạt động tinh vi

Khi vay tiền với hình thức như trên, đa số người vay đều gánh chịu những hậu quả nặng nề, bị áp lực cả về vật chất lẫn tinh thần, phải vất vả xoay xở trả tiền lãi. Đến khi người vay kiệt quệ, không có khả năng chi trả thì tài sản sẽ thuộc về người cho vay hoặc bị người cho vay dùng áp lực, uy hiếp tinh thần, đập phá tài sản, xâm hại sức khỏe,... để buộc người vay trả nợ. Trong khi đó, công tác quản lý, phát hiện, xử lý đối với các hoạt động này gặp nhiều khó khăn.

Đinh Văn Trường dán quảng cáo trên cột điện

Đinh Văn Trường dán quảng cáo trên cột điện

Trước tình hình trên, Công an tỉnh Long An chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung củng cố hồ sơ các băng, nhóm hoạt động tín dụng đen (TDĐ) trên địa bàn để kiên quyết ngăn chặn, xử lý. Ngày 20/12/2018, Công an thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1,5 triệu đồng đối với Đinh Văn Trường (SN 1993), tạm trú quận 12, TP.HCM, về hành vi treo, dán quảng cáo trên cột điện. Trước đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh thực hiện kế hoạch triệt xóa nạn cho vay nặng lãi trên địa bàn các huyện Bến Lức, Cần Đước, phát hiện Trường đang có hành vi dán quảng cáo với hình thức cho vay không cần thế chấp trên các cột điện. Trường khai nhận, vào đầu năm 2018, cùng với N.N.Q (ngụ huyện Ba Vì, Hà Nội) đến TP.HCM hoạt động cho vay tiền góp. Hàng ngày, Trường xuống địa bàn thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức dán tờ rơi với nội dung: “Cho vay tiền góp, không cần thế chấp, chỉ cần hộ khẩu + chứng minh nhân dân + cavet xe” kèm số điện thoại. Khi người dân có nhu cầu vay thì điện thoại, Trường sẽ đến tận nhà cho vay tiền.

Gần đây, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.Tân An kết hợp Công an phường 3, TP.Tân An kiểm tra tại một nhà trọ trên đường Nguyễn Minh Trường, phát hiện người thuê trọ đang cất giữ trên 200 sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân,... Qua kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện 4 nhân khẩu không đăng ký lưu trú, do L.V.K, ngụ Mỹ Đức, Hà Nội, thuê trọ. Qua làm việc, K. khai nhận đang cho vay tiền trên địa bàn TP.Tân An, số tiền cho vay thấp nhất là 3 triệu đồng, cao nhất là 20 triệu đồng. Hình thức cho vay góp lấy vốn và lãi trong khoảng thời gian từ 41-50 ngày, số tiền góp dao động từ 100.000-500.000 đồng/ngày. Người vay chỉ cần ký nhận vào giấy biên nhận có ghi số tiền vay (gồm tiền gốc và tiền lời đã tính sẵn) và đưa cho K. các giấy tờ để thế chấp như bản chính sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn,...

Tăng cường công tác quản lý

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo các ngành, các tổ chức chính trị và đoàn thể thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn hoạt động của TDĐ. Mới đây, UBND huyện Cần Đước vừa có công văn chỉ đạo ngành công an tập trung thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động cho vay lãi nặng, TDĐ, không để hình thành băng nhóm hoạt động cho vay lãi nặng, TDĐ trên địa bàn huyện; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng cho vay lãi cao và hoạt động TDĐ.

Công an phường 3, TP.Tân An phát hiện hàng trăm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người vay thế chấp cho các đối tượng cho vay

Công an phường 3, TP.Tân An phát hiện hàng trăm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người vay thế chấp cho các đối tượng cho vay

Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên tổ chức rà soát về nhu cầu vay vốn của người dân trên từng địa bàn quản lý, phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo điều kiện thuận lợi để người dân, nhất là người nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng hợp pháp. Chỉ đạo các ngành chức năng tập trung kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp dán tờ rơi quảng cáo của các đối tượng cho vay trên địa bàn phụ trách; tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân ở địa phương trong việc tham gia phòng, chống tội phạm cho vay lãi cao, hoạt động TDĐ.

Để TDĐ không còn “đất” để hoạt động, các cấp, các ngành cần tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ và người dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng cho vay lãi cao và những hệ lụy từ việc vay tiền của các đối tượng này. Qua đó, nâng cao hiểu biết và ý thức cảnh giác, không vay tiền với lãi suất cao, tham gia phát hiện, tố giác tội phạm cho vay lãi cao, TDĐ nói riêng, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội nói chung./.

Thúy Phượng

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích