Huy động các nguồn lực
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An - Nguyễn Hồng Mai khẳng định: “Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Sở yêu cầu các địa phương rà soát thật kỹ từng đối tượng, công khai, minh bạch trong bình xét hộ nghèo, cận nghèo, tránh tình trạng chạy theo thành tích, làm ảnh hưởng đến đời sống của người nghèo hoặc để phát sinh nghèo.
Qua đó, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế mà có kế hoạch giảm nghèo thiết thực, hiệu quả, với quan điểm chuyển dần từ chính sách cho không sang cho có điều kiện. Riêng đối với những hộ nghèo, cận nghèo thuộc dạng khó thoát nghèo như bệnh tật, neo đơn, không còn khả năng lao động,... thì vận động xã hội hóa chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho họ”.
Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình tặng quà cho người nghèo
Với quan điểm giảm nghèo rõ ràng, cụ thể được quán triệt thường xuyên, sâu, rộng đến các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân đã góp phần cho công tác giảm nghèo của tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, nhiều địa phương xóa trắng hộ nghèo như xã Mỹ Yên, Thạnh Đức (huyện Bến Lức); xã Hòa Phú (huyện Châu Thành);... Ngoài ra, nhiều địa phương làm tốt công tác xã hội hóa chăm lo cho người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước - Nguyễn Thành Trung chia sẻ: “Từ đầu năm 2023 đến nay, thị trấn huy động các nguồn lực xây dựng 3 căn nhà tình nghĩa; xây dựng và sửa chữa 24 căn nhà tình thương, Đại đoàn kết. Nhờ vậy, thị trấn cơ bản xóa nhà tạm bợ cho người dân.
Ngoài xây dựng nhà, thị trấn còn duy trì và nhân rộng nhiều mô hình an sinh xã hội hiệu quả, nổi bật là mô hình Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân, thành viên Mặt trận gắn với 1 địa chỉ nhân đạo. Hàng tháng, các đơn vị, cá nhân được phân công sẽ đến thăm hỏi, tặng quà động viên gia đình; đồng thời, nắm bắt tâm tư, tình cảm, tình hình kinh tế để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Với sự nỗ lực trên, chỉ tiêu giảm nghèo của địa phương luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra, đến nay, hộ nghèo còn 19 hộ (chiếm 0,56%), dự kiến cuối năm thoát 3 hộ; 81 hộ cận nghèo (chiếm 2,4%).
Niềm vui giản đơn
Đối với người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì xây dựng được căn nhà kiên cố để che mưa, nắng là niềm vui, hạnh phúc. Thế nhưng, không phải gia đình nào cũng có điều kiện xây mới căn nhà, bởi họ phải chạy ăn từng ngày.
Bà Nguyễn Thị Đậm (SN 1957, ngụ khu phố 1, thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Thấy căn nhà xuống cấp, lãnh đạo thị trấn nhiều lần tạo điều kiện cho gia đình xây dựng mới nhưng do không có tiền bù thêm, gia đình đành ngậm ngùi từ chối. Năm nay, gia đình tôi dành dụm gần 30 triệu đồng; đồng thời, được Công ty TNHH Hùng Phát hỗ trợ 60 triệu đồng xây dựng căn nhà tình thương. Ngày dọn vào nhà mới, tôi mừng đến không kìm được nước mắt. Vậy là bao nhiêu năm mơ ước, chờ đợi, hai mẹ con tôi đã có được căn nhà khang trang, không còn chịu cảnh “nhà dột, cột xiêu”".
Trước đây, kinh tế gia đình bà Lê Thị Em (SN 1964, ngụ xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ) cũng ổn định, không thường xuyên phải chịu cảnh “thiếu trước, hụt sau”. Tuy nhiên, sau khi chồng bị bệnh tai biến, bà phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc cho chồng. Kể từ đó, gia đình không có thu nhập, lâm vào cảnh khó khăn. Chia sẻ với hoàn cảnh gia đình bà Em, xã tạo điều kiện cho bà Em vào danh sách hộ nghèo để hưởng các chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước như thẻ bảo hiểm y tế, miễn, giảm tiền điện,... Đặc biệt, năm 2021, bà Em được hỗ trợ 1 con bò giống để vừa chăn nuôi kiếm thêm thu nhập, vừa chăm sóc chồng. Nhờ chăm chỉ làm việc, gia đình bà Em đã thoát khỏi hộ nghèo.
Bà Nguyễn Thị Đậm hạnh phúc, vui vẻ bên căn nhà mới
Không chỉ những hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn cảm thấy vui, hạnh phúc khi kinh tế gia đình ổn định mà những người làm công tác an sinh xã hội cũng cảm thấy hạnh phúc khi đời sống người dân ngày càng nâng lên. Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn ấp 3, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ - Phan Văn Rồng bộc bạch: “Làm tổ trưởng gần 10 năm, tôi nắm rõ hoàn cảnh của người dân quê mình.
Đối với những trường hợp có ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo, tôi sẽ tạo điều kiện giúp họ vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế. Riêng những hộ còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước, tôi thường xuyên vận động, tuyên truyền, nhắc nhở để họ nhận thức được chỉ có tự mình vươn lên thì mới thoát nghèo bền vững. Khi nhìn lại những hộ mình từng giúp đỡ có kinh tế ổn định, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì mình đang làm điều có ích cho xã hội”.
Nhìn lại một chặng đường thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của hộ nghèo, cận nghèo ngày càng nâng lên. Những hộ nghèo, cận nghèo chưa bao giờ đơn độc trong hành trình vươn lên thoát nghèo mà luôn có sự đồng hành của các cấp, các ngành. Điều này được khẳng định khi năm 2022, toàn tỉnh giảm 24,3%/tổng số hộ nghèo, trong khi chỉ tiêu là giảm 15%/tổng số hộ nghèo. Đến nay, toàn tỉnh còn 0,97% hộ nghèo, 2,24% hộ cận nghèo./.
Lê Ngọc