Phát triển nguồn năng lượng sạch
Trong xu thế phát triển nguồn năng lượng trên thế giới, nguồn năng lượng sạch được chú ý. Sau khi tiến hành khảo sát từ phía doanh nghiệp (DN), Long An được xác định là một trong những khu vực phù hợp để khai thác và phát triển nguồn năng lượng giàu tiềm năng này.
Lễ động thổ Nhà máy Năng lượng mặt trời BCG Băng Dương
Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng BCG Băng Dương - Phạm Minh Tuấn: “Khác với năng lượng truyền thống, năng lượng tái tạo phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Qua khảo sát, Long An là một trong những khu vực phù hợp nhất để có thể khai thác và phát triển nguồn NLMT. Long An nằm trong khu vực nhiệt đới gần xích đạo với khí hậu và độ ẩm gió mùa đặc trưng, nắng nhiều và bức xạ kéo dài. Thời gian trung bình của ánh nắng mặt trời dao động từ 4,9-5,7kWh/m2/ngày, tương đương khoảng 2.000-2.600kWh/năm và số ngày nắng bình quân trong năm khoảng 300 ngày. Đây là thời điểm tốt nhất để Long An tập trung đầu tư cho những dự án NLMT”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được phấn khởi: “Năm 2018, tỉnh tiếp nhận nhiều dự án đầu tư NLMT. Hiện nay, có 3 nhà máy khởi công. Các nhà máy NLMT này sẽ là tiền đề để phát triển thêm nhiều nhà máy NLMT trên địa bàn tỉnh. Việc phát triển NLMT phù hợp với chủ trương của Chính phủ là ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, giảm thiểu đến mức thấp nhất mức độ ô nhiễm môi trường từ việc khai thác các nguồn điện truyền thống và đặc biệt là góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”.
Kết nối điện lưới quốc gia
Những ngày này, trên công trình xây dựng Nhà máy NLMT của Công ty CP Năng lượng BCG Băng Dương tại xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, cán bộ kỹ thuật, công nhân đang trong giai đoạn đóng cọc cho toàn bộ nhà máy. Ông Phạm Minh Tuấn cho hay: “Sau gần 4 tháng thi công, nhà máy hoàn thành đạt 50% khối lượng công việc toàn dự án. Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhà máy bắt đầu lắp tấm pin sau khi hoàn thành đóng cọc và xây dựng các chân trụ cột đường dây đấu nối vào Trạm 110kV Thạnh Hóa. Tất cả cán bộ quản lý, công nhân đều nỗ lực thực hiện tốt phần việc được giao để kết nối với điện lưới quốc gia vào tháng 6/2019”.
Đây là dự án NLMT đầu tiên của BCG Băng Dương tại Long An, cũng là nhà máy NLMT đầu tiên của tỉnh được khởi công. Có thể khẳng định, đây là cột mốc quan trọng trong chương trình phát triển năng lượng mới của tỉnh. Theo ông Phạm Minh Tuấn, nhà máy có diện tích trên 50ha, tổng mức đầu tư 5 triệu USD với công suất 40,6MWp. Nhà máy đặt mục tiêu đạt tổng sản lượng điện năng sản xuất trong năm tối đa khoảng 60 triệu kWh. Tấm pin được sử dụng trong dự án là pin đa tinh thể poly c-Si với các ưu điểm vượt trội. Tỷ lệ hiệu suất của các tấm pin này lên tới hơn 18,1% (mức quy định là 16%), điều đó cũng đồng nghĩa sẽ tiết kiệm diện tích chiếm đất của toàn dự án. Hệ thống tưới nước rửa tấm pin cũng được tự động hóa để giảm bớt nguồn nhân lực và nâng cao năng suất hoạt động.
Nhà máy Năng lượng mặt trời Europlast Long An đóng cọc tạo giá đỡ cho tấm pin
Dự án NLMT của Công ty CP Điện mặt trời Europlast Long An thuộc Công ty CP Nhựa Châu Âu đầu tư tại xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ được khởi công vào cuối tháng 9-2018. Tổng mức đầu tư của nhà máy với kinh phí 1.157 tỉ đồng, quy mô công suất 50MWp. Những ngày này, trên công trình Nhà máy điện Europlast Long An, nhiều xe chuyên dùng như máy cẩu, máy đóng cọc, xe vận chuyển khẩn sẵn sàng hỗ trợ hơn 80 cán bộ quản lý, công nhân thực hiện công đoạn đóng cọc trụ giá đỡ tấm pin. Không khí làm việc khá sôi động để đạt tiến độ đề ra, phấn đấu hoàn thành đấu nối điện lưới quốc gia vào dịp 30/4/2019.
Theo Giám đốc Công ty CP Điện mặt trời Europlast Long An - Nguyễn Minh Tuấn, diện tích đất toàn nhà máy khoảng 58ha, cần 27.000 cọc trụ làm giá đỡ tấm pin. Đến ngày 20-01-2019, đơn vị thi công hoàn tất phần đóng cọc. Ở những vị trí đóng cọc xong, đơn vị thi công sẽ thực hiện làm giá đỡ cho tấm pin và lắp pin. Đặc biệt, các công đoạn cần thiết để xây dựng nhà điều hành và lắp đặt trạm biến áp đang được khẩn trương thực hiện. Ngoài ra, dự án Nhà máy điện mặt trời TTC cũng được khởi công tại xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Huệ, công suất 49MWp, sẽ hoàn thành trước tháng 6/2019.
Hiện nay, toàn tỉnh có 13 dự án đăng ký đầu tư phát triển NLMT trên địa bàn Thạnh Hóa, Tân Thạnh và Đức Huệ, tổng công suất khoảng 1.139MWp từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2035, trong đó có 4 dự án đã được phê duyệt có công suất tổng cộng hơn 240MWp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được phấn khởi: “Các nhà máy NLMT có ý nghĩa quan trọng trong việc sử dụng năng lượng tái tạo, bổ sung vào nguồn năng lượng tại tỉnh, từ đó góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Vì vậy, đối với các dự án đã được phê duyệt, nhà đầu tư cần thi công bảo đảm tiến độ đề ra, cũng như thực hiện đúng thiết kế kỹ thuật được phê duyệt”./.
Thanh Tùng