Tiếng Việt | English

10/05/2022 - 11:20

Đổi mới trên mảnh đất anh hùng

Trở lại vùng đất anh hùng, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rõ nét trên vùng quê cách mạng. Sắc xanh sinh sôi, màu vàng no ấm, “bộ mặt” nông thôn ngày càng khởi sắc,... là minh chứng cho sự năng động của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng của người dân trong việc hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

1. Xã An Vĩnh Ngãi là địa phương duy nhất tại TP.Tân An, tỉnh Long An, 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng. 47 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Vĩnh Ngãi viết tiếp những trang sử hào hùng trong công cuộc xây dựng quê hương, từng bước biến vùng trắng, hoang tàn sau chiến tranh thành những làng quê khởi sắc.

Trong trí nhớ của người dân nơi đây, sau ngày đất nước thống nhất, An Vĩnh Ngãi là vùng nông thôn “4 không”: Không đường, không điện, không trường, không trạm y tế; tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Những năm đầu sau ngày giải phóng, đồng ruộng hoang hóa, loang lổ bom mìn, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn. Việc tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng là điểm nhấn để tạo diện mạo mới cho “bức tranh” nông thôn. Khoảng 10 năm trở lại đây, khi Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) được triển khai, thực hiện, Đảng bộ, chính quyền xã có cái nhìn nhạy bén và chỉ đạo kịp thời.

Đường nông thôn xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An được nhựa hóa

Gần cả cuộc đời sinh sống tại quê hương anh hùng, ông Trần Minh Đức, ngụ ấp Vĩnh Hòa, đã chứng kiến An Vĩnh Ngãi “lớn lên” từng ngày. Ông Đức kể: “An Vĩnh Ngãi ngày càng phát triển, với trạm y tế, trường học đạt chuẩn, hệ thống điện, nước cũng được đầu tư xây dựng”. Chứng kiến những đổi thay của quê hương từ ngày còn khó khăn nên ông rất nhiệt tình trong việc đóng góp XDNTM. Được biết, đoạn đường Trần Văn Ngà ngay trước cửa nhà ông Đức trước kia là một con đường nhỏ, sình lầy, đi lại khó khăn. Giờ đây, với sự góp sức của ông và nhiều hộ dân sinh sống xung quanh, tuyến đường đã được mở rộng với mặt đường rộng 10m, trải nhựa thênh thang.

Theo Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Thị Nhuận, An Vĩnh Ngãi ngày nay như “thay áo mới”. Xã được công nhận danh hiệu xã văn hóa vào năm 2010, được phúc tra công nhận lại vào năm 2016. Năm 2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Vĩnh Ngãi vui mừng khi tại lễ tổng kết chương trình Về nguồn của tỉnh, xã được công bố đạt chuẩn NTM. Năm 2020, địa phương là đơn vị đầu tiên của TP.Tân An đạt chuẩn NTM nâng cao. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn rất thấp, người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 90%, trên 99% hộ đạt gia đình văn hóa, hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó hộ sử dụng nước sạch đạt trên 91%. Công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng cũng như hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được địa phương thường xuyên quan tâm,...

2. Có mặt tại vùng đất anh hùng Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến sự vươn mình của một vùng đất khó khăn. Phước Vĩnh Đông từng được biết đến với khu vực Cầu Tre, ấp Thạnh Trung, là địa điểm ghi dấu chiến công của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là trận đánh tiêu biểu nhất của quân và dân địa phương, đã bẻ gãy chiến thuật “trực thăng vận” của địch, cổ vũ niềm tin chiến thắng của quân dân cách mạng. Với những ý nghĩa đó, khu vực Cầu Tre được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2010.

Phước Vĩnh Đông từ mấy chục năm qua vẫn là xã bãi ngang, xã ven biển, hệ thống giao thông chưa phát triển và thường xuyên chịu ảnh hưởng của triều cường nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức khá cao.

Công viên văn hóa xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc được đầu tư

Thời gian qua, xã được “tiếp sức” từ Trung ương, tỉnh, huyện cùng sự nhạy bén của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhiều chính sách dành cho sản xuất, trong đó có hỗ trợ vốn cho người dân; đầu tư kết cấu hạ tầng đã thay đổi diện mạo một vùng đất anh hùng. Ngày nay, mạng lưới trường lớp, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa được xây dựng mới. Mạng lưới điện phủ kín địa bàn; 90% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, không còn tình trạng “khát nước” sinh hoạt vào mùa khô. Nhiều công trình cầu, đường, thủy lợi được triển khai xây dựng, góp phần phục vụ sản xuất nông nghiệp kết hợp giao thông.

Ông Phan Văn Đựng, ngụ ấp Đông An, chia sẻ: “Xã Phước Vĩnh Đông ngày nay so với trước đây có nhiều đổi mới. Hiểu và đồng thuận với địa phương, tôi hiến 300m2 đất cùng người dân mở đường nông thôn, tạo điều kiện đi lại thuận lợi”.

Công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân được chính quyền địa phương quan tâm thực hiện. Xã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề. Công tác chăm lo cho gia đình chính sách, bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả.

Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Đông - Võ Tấn Khôi cho biết: Tuy có sự thay đổi rõ rệt nhưng hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 11,06%. Đời sống người dân vẫn còn gặp khó khăn. Vì vậy, chính quyền rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp cũng như người dân trong và ngoài địa phương để xã Phước Vĩnh Đông có sự chuyển mình mạnh mẽ; phấn đấu xây dựng thành công xã NTM trong năm 2024.

3. Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, những vùng quê Nhơn Hòa Lập, Tân Hòa, huyện Tân Thạnh từng bước “hồi sinh” và vươn mình phát triển.

Về xã anh hùng Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh trong cái nắng chói chang, 2 bên đường là những cánh đồng lúa bạt ngàn; những ngôi nhà ngói đỏ, mái tole san sát; giao thông nông thôn phát triển; cầu ván, cầu vỉ đều được thay bằng những cây cầu bêtông vững chắc; hệ thống trường, lớp được xây dựng khang trang. Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Hòa Lập - Nguyễn Chí Thành cho biết: “Sau khi chiến tranh kết thúc, đời sống của người dân xã Nhơn Hòa Lập gặp nhiều khó khăn. Phát huy truyền thống cách mạng xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, với sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã, cùng nhiều chính sách hỗ trợ, Nhơn Hòa Lập hôm nay từng bước thay đổi, KT - XH không ngừng phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao”.

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh không ngừng nâng lên

Trên nền tảng xã văn hóa được công nhận vào năm 2011, Nhơn Hòa Lập nỗ lực xây dựng thành công xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 50 triệu đồng/năm.

Tân Hòa cũng là 1 trong 5 xã của huyện Tân Thạnh được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Theo con đường bêtông rộng rãi, sạch sẽ chạy dọc trong xã; ven đường là những hàng rào cây kiểng, cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, trông rất đẹp, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Đức - cán bộ hưu trí, ngụ ấp Trung. Mặc dù bước sang tuổi 72, với 40 năm tuổi Đảng nhưng ông vẫn nhớ và kể rành mạch về thời chiến. Trải qua thời gian khó, ông vui mừng trước sự đổi mới của quê hương. “Nếu như trước đây, mỗi năm, người dân sản xuất lúa 1 vụ thì bây giờ sản xuất 3 vụ lúa ăn chắc, năng suất rất cao. Nhà cửa được xây dựng khang trang, đường sá thuận tiện cho việc đi lại, giao thương” - ông Đức chia sẻ.

Đổi thay rõ nét nhất của Tân Hòa là phần lớn đường giao thông đã được kiên cố hóa từ sự hòa quyện của "ý Đảng - lòng dân". Trong đó, bà Trần Thị Đẹp, ngụ ấp Tây Bắc, tình nguyện hiến 9.000m2 đất dể làm khu đê bao đường bờ Tây Cà Nhíp và làm đường giao thông.

Ngoài ra, nhờ tập trung phát triển hệ thống thủy lợi, đầu tư xây dựng các khu đê bao khép kín, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ vốn, nông dân sản xuất ngày càng đạt hiệu quả hơn. Ông Huỳnh Văn Tốt, ngụ ấp Trung, xã Tân Hòa, có 2ha đất sản xuất lúa nhưng thường gặp cảnh “được mùa - rớt giá”. Từ khi có khu đê bao khép kín, ông chuyển đổi 0,7ha sang trồng mít Thái, hiện đã thu hoạch mùa thứ 3 với hiệu quả kinh tế mang lại khá cao.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa - Võ Minh Dương cho biết: “Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 51 triệu đồng/năm; hộ nghèo còn 1,6%. Hiện xã duy trì nâng chất các tiêu chí xã NTM, phấn đấu xã đạt NTM nâng cao trong năm 2022”.

Về thăm các xã anh hùng, không chỉ cảm nhận sự vươn lên đổi thay từng ngày mà còn tự hào về truyền thống lịch sử anh hùng của thế hệ cha ông, từ đó tiếp thêm sức mạnh, động lực để Đảng, chính quyền và người dân tiếp tục chung tay xây cuộc sống mới./.

Nguyệt Nhi - Ngọc Diệu - Chí Tâm

Chia sẻ bài viết