Tiếng Việt | English

06/05/2020 - 09:30

Đồng bằng sông Cửu Long: Xâm nhập mặn trong tháng Năm vẫn ở mức cao

Trên cơ sở dự báo dòng chảy về vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Vựa lúa số 1 Việt Nam) và dự báo thủy triều tháng 5/2020, xâm nhập mặn mặc dù có xu thế giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao.


Bản đồ dự báo phân bố độ mặn cao nhất từ 6-10/5/2020.

Theo dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn, từ ngày 6-10/5, xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng dần và đạt mức cao nhất vào cuối tuần. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở cấp độ 1-2.

Vì thế, trong đợt mặn tiếp theo, từ ngày 8-15/5, các địa phương hạn chế tưới (tưới nước tối thiểu) nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng đô mặn.

Khả năng có mưa dông nhưng độ mặn vẫn cao

Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 1-5/5, có xu hướng giảm dần. Riêng một số trạm ở Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau, độ mặn ở mức cao hơn tuần từ 26-30/4.

Trong những ngày tới, từ 6-10/5, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khả năng có mưa dông rải rác về chiều tối trong thời đoạn ngắn. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Tuy nhiên, mưa phân bố không đều, tổng lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 70mm. Nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 33-37 độ C, sau có xu hướng giảm.

Mực nước các trạm trên dòng chính sông Mekong biến đổi chậm và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,2-1m.

Theo đó, mực nước trên sông Tiền và sông Hậu sẽ lên theo thủy triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,30m; tại Châu Đốc 1,45m, cao hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 0,15-0,2m.

Xâm nhập mặn ở vùng vựa lúa số 1 Việt Nam có xu thế tăng dần và đạt mức cao nhất vào cuối tuần. Độ mặn cao nhất trong đợt này tại các trạm ở mức tương đương và cao hơn thời kỳ từ ngày 21-30/4; riêng ở Cà Mau độ mặn ở mức thấp hơn.

Chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này tại các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, có phạm vi xâm nhập mặn 90-135km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 55-70km; sông Hàm Luông 65-85km; sông Hậu, Cổ Chiên 45-50km; sông Cái Lớn 55-60km.

Dự báo xâm nhập mặn (ranh mặn 4g/l) tháng 5/2020. (Nguồn: Vptt Ủy ban sông Mekong Việt Nam)

Tương tự, chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này tại các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 80-125km; phạm vi xâm nhập mặn tại các sông Cửa Tiểu, Cửa Đại 50-55km; sông Hàm Luông 60-75km; sông Cổ Chiên, sông Hậu 35-40km; sông Cái Lớn 45-55km.

Tổng lượng dòng chảy dự kiến đạt khoảng 84%

Trong diễn biến liên quan, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho biết dựa trên các kết quả dự báo mưa trên lưu vực sông Mekong, kết hợp với tình hình sử dụng nước và dự báo chế độ triều, tổng lượng dòng chảy tới Đồng bằng sông Cửu Long qua hai trạm thủy văn Tân Châu và Châu Đốc dự kiến đạt khoảng 84% trung bình nhiều năm và xấp xỉ tổng lượng dòng chảy tháng 5/2016.

Trên cơ sở dự báo dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long và dự báo triều tháng 5, xâm nhập mặn tháng 5/2020 mặc dù có xu thế giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao.

Theo đó, đường ranh mặn 4g/l vào sau nhất trên ba nhánh sông lớn là sông Hậu (phía nhánh Cổ Chiên), sông Tiền (nhánh Hàm Luông), sông Vàm Cỏ Tây dự kiến vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm từ 15-19km và sâu hơn 3-9km so với xâm nhập mặn trong tháng cùng ky năm 2016.

Tương tự, đường ranh mặn 1g/l trên ba nhánh sông trên dự kiến sẽ vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm 20-23km và sâu hơn so với tháng 5/2016 khoảng 8km.

Theo Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam, căn cứ vào kết quả dự báo mức độ xâm nhập mặn trên các nhánh sông chính, số giờ có thể mở cống lấy nước ngọt (độ mặn nhỏ hơn 1g/l) trong tháng Năm tại một số công trình đầu mối sẽ được cải thiện rõ rệt so với tháng 4/2020.

Riêng cống Rạch Tranh và Bắc Đông trên hệ thống sông Vàm Cỏ vẫn chưa lấy được nước./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết