Tiếng Việt | English

20/04/2020 - 18:35

Tập trung phòng, chống hạn, xâm nhập mặn

Tại cuộc họp bàn giải pháp chống hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Long An vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần yêu cầu địa phương tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng, chống hạn, mặn; đồng thời, tập trung thực hiện các công trình phục vụ phòng, chống hạn, mặn, đặc biệt là các công trình nạo vét kênh, mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân.

Các địa phương đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp
Các địa phương đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp

Toàn dân tham gia chống hạn, mặn

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, kêu gọi toàn dân tham gia phòng, chống hạn, xâm nhập mặn. Tại huyện Tân Trụ, mùa khô 2020 có trên 2.000ha lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng hạn, mặn, trong đó mất trắng khoảng 910ha. Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung cho biết: “Huyện đã tăng cường tuyên truyền người dân tích cực tham gia phòng, chống hạn, mặn. Sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân, huyện khuyến cáo người dân không nên sản xuất lúa Hè Thu sớm, do tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn,… và khi gieo sạ cần tuân thủ theo lịch thời vụ. Riêng đối với cây trồng khác, huyện khuyến cáo người dân thận trọng khi sử dụng nước tưới, kiểm tra độ mặn trước khi tưới cho cây trồng”.

Ông Đặng Văn Tùng, ngụ xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, chia sẻ: Năm nay, lúa vụ Đông Xuân của gia đình ông thu hoạch sớm. Tuy nhiên, ông chủ động không sản xuất lúa vụ 3 để tránh thiệt hại vì nghe ngành chức năng khuyến cáo ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn trong năm nay diễn ra rất khốc liệt. Do đó, dù vụ 3 những năm trước được mùa lẫn được giá nhưng gia đình ông chủ động dừng sản xuất để an toàn. Còn anh Nguyễn Văn Điều, ngụ cùng địa phương, cho biết: Gia đình anh chỉ làm 2 vụ ăn chắc, vì làm vụ 3 trong năm nay xem ra quá liều, nên gia đình anh chủ động không làm. Ngoài ra, hơn 3.000m2 thanh long của gia đình, anh chủ động kiểm tra chất lượng nước trước khi tưới.

Tại huyện Châu Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện - Võ Thanh Hồng cho biết: “Huyện thông tin đến người dân ở các xã có nguy cơ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn không lấy nước vào lúc triều lên, chỉ lấy nước vào lúc nước ròng, thấp; tổ chức theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, đồng thời sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước,... trong mùa khô hạn, xâm nhập mặn. Để chủ động phòng, chống ảnh hưởng của xâm nhập mặn trong vụ sau, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, huyện tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó, tổ chức đo đạc, giám sát, cảnh báo xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để hướng dẫn người dân lấy nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt phù hợp”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Nguyễn Chí Thiện thông tin: “Ngành nông nghiệp cũng đưa ra một số khuyến cáo, giải pháp để phòng, chống xâm nhập mặn, bảo vệ cây trồng. Các địa phương tăng cường tuyên truyền nông hộ nên kiểm tra chất lượng nước trước khi tưới (trang bị máy đo độ mặn để tự kiểm tra trước khi lấy nước tưới cho cây trồng hoặc thu mẫu nước gửi cơ quan chuyên môn để xác định độ mặn giúp). Đối với sản xuất lúa, tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, nguồn nước để có kế hoạch trữ nước ngọt tưới cho lúa, huy động mọi phương tiện, tận dụng mọi điều kiện sẵn có để trữ ngọt; tăng cường bón phân kali giúp cây lúa khỏe, tăng sức đề kháng cho cây. Có thể phun một số sản phẩm phân bón lá có chứa kali (KNO3), canxi, magiê, silic,… liều lượng sử dụng theo khuyến cáo ghi trên bao bì sản phẩm.

Đối với sản xuất cây ăn trái, không tiến hành xử lý ra hoa, trồng mới trong thời gian hạn, mặn nếu nguồn nước ngọt không bảo đảm cung cấp cho cây trồng; áp dụng kỹ thuật tưới tiên tiến tiết kiệm nước (tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa), tưới luân phiên, đúng thời điểm và vừa đủ nước; kết hợp ủ gốc giữ ẩm cho cây sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ: Rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình,… hoặc màng phủ nông nghiệp 
(lưu ý công tác phòng, chống cháy trong mùa khô); tăng cường bón phân hữu cơ nhằm nâng cao khả năng giữ ẩm và giữ phân của đất; bón phân lân, kali để nâng cao khả năng chịu mặn cho cây; phun phân bón lá có chứa kali (KNO3), canxi, magiê, silic,… giúp tăng khả năng đề kháng của cây, chống chịu với điều kiện bất lợi do hạn và xâm nhập mặn. Trên chân đất nhiễm phèn mặn nên bón thêm vôi nung (CaO), trên đất nhiễm phèn không bón các loại phân chua sinh lý như super lân; thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm dịch hại, phòng trừ kịp thời nhằm tăng khả năng chống chịu của cây trong điều kiện khô hạn và xâm nhập mặn”.

Nông dân trồng rau màu cũng chủ động nguồn nước để tránh bị ảnh hưởng hạn mặn

Nông dân trồng rau màu cũng chủ động nguồn nước để tránh bị ảnh hưởng hạn mặn

Tập trung các công trình thủy lợi

Để tập trung xây dựng công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, năm 2020, huyện Cần Đước phân bổ nguồn vốn trên 11 tỉ đồng thực hiện, nâng cấp các công trình thủy lợi, bêtông hóa hệ thống kênh, mương tưới tiêu nội đồng. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương cho hay: “Với nguồn vốn trên 11 tỉ đồng, huyện đầu tư xây dựng kênh, rạch nội đồng thị trấn Cần Đước; nạo vét kênh xã, kênh, rạch nội đồng xã Long Trạch; nạo vét các kênh nội đồng xã Long Sơn; đường thoát nước ấp 5, xã Tân Trạch; nạo vét kênh nội đồng xã Tân Lân; đường thoát nước ấp 4, xã Phước Tuy; nạo vét kênh, rạch nội đồng xã Phước Vân; sửa chữa, nâng cấp bờ kênh N12- Tân Ân. Ngoài ra, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các xã, thị trấn đã huy động hàng tỉ đồng cho việc xây dựng mới, nâng cấp các tuyến kênh, mương và hệ thống thủy lợi trên địa bàn”.

“Đến nay, toàn huyện có 5 cống chính do tỉnh quản lý: Bến Trễ, Xóm Bồ, Đôi Ma, Nha Ràm, Xóm Lũy, 150 cống do huyện và xã quản lý và 310 kênh, rạch; trên 90% các xã, thị trấn cơ bản đạt tiêu chí thủy lợi, gồm các xã: Long Hựu Tây, Tân Ân, Phước Tuy, Tân Lân, thị trấn Cần Đước,… cơ bản đáp ứng nhu cầu trồng trọt và chăn nuôi trên địa bàn” - ông Chương nói thêm. Chủ tịch UBND xã Phước Tuy - Trần Thanh Diệu thông tin: “Hiện nay, trên địa bàn xã có cống Xóm Bồ và Bến Trễ là 2 hệ thống cống chính cung cấp nước sản xuất cho dân. Toàn xã có gần 2.000ha lúa và trên 28ha rau màu cơ bản được tưới, tiêu chủ động.Tuy nhiên, hiện nay mùa khô, xâm nhập mặn, một số ấp thiếu nước sản xuất cục bộ như ấp 3, 4, 7. Ngoài ra, năm 2019, xã được huyện quan tâm, hỗ trợ trên 2 tỉ đồng, địa phương chủ động nạo vét 3 rạch: Bảy Chiến, Ông Kiểu, Rạch Miễu và kênh N8 dài 3.658m và cống ngầm ấp 7. Năm 2020, xã tiếp tục tranh thủ nguồn vốn và vận động xã hội hóa với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” xây dựng mới, nâng cấp các tuyến kênh, mương và hệ thống thủy lợi xuống cấp, rò rỉ trên địa bàn”. 

Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng cho biết: “Dự báo tình hình nắng nóng, hạn, mặn kéo dài, ngành chức năng huyện phối hợp địa phương chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Trong đó, việc bảo đảm nước sinh hoạt cũng như sản xuất được ưu tiên hàng đầu. Huyện chỉ đạo ngành chức năng rà soát, nắm chắc từng địa bàn có cống xuống cấp, tập trung nguồn lực, kinh phí chủ động nâng cấp, sửa chữa, triển khai các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phòng, chống xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2019-2020, trong đó, xác định địa phương có khả năng bị ảnh hưởng để đề ra giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Tổ chức đo đạc thường xuyên độ mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn nhằm kịp thời nắm bắt, hướng dẫn người dân thực hiện kế hoạch lấy nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Huyện tăng cường thực hiện các giải pháp như nạo vét kênh, rạch, đắp đập tạm, lắp đặt trạm bơm, tranh thủ vận hành công trình thủy lợi lấy nước, trữ nước để sử dụng khi xâm nhập mặn lên cao, nguồn nước bị thiếu hụt. Khuyến cáo người dân sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm, hiệu quả, tránh lấy nước ở những khu vực bị nhiễm mặn vào đồng ruộng, tránh gây ô nhiễm nguồn nước nội đồng, giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và đẩy nhanh tiến độ tu bổ, sửa chữa và nạo vét các công trình thủy lợi, bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt”./.

Huỳnh Phong - Kim Thoa

Chia sẻ bài viết