Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 90 điểm sạt lở
Nhiều nguyên nhân gia tăng sạt lở
Những năm gần đây, tại địa bàn tỉnh Long An, sạt lở, sụt lún đất đã và đang diễn biến âm thầm, khó lường, gây thiệt hại về kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà ở, cây trồng, đất sản xuất của người dân.
Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 90 điểm sạt lở lớn, nhỏ với tổng chiều dài gần 30km. Từ đó, gây thiệt hại đến tài sản, nhà cửa, đất đai, đường giao thông.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thiên tai, sạt lở, sụt lún đất ở tỉnh có chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.
Cụ thể, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 10 vụ sạt lở, sụt lún nghiêm trọng ở các huyện: Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành với tổng chiều dài hơn 2km.
Sạt lở thời gian qua xảy ra ở nhiều địa bàn trong tỉnh
Nguyên nhân xảy ra sạt lở, sụt lún có cả khách quan và chủ quan. Trong đó, chủ quan là do tập quán sinh sống của người dân thường xây dựng nhà ở và các công trình phụ trợ cơi nới lấn chiếm bờ sông, kênh, rạch làm gia tăng tải trọng lên nền đất yếu.
Mặt khác, việc xây dựng công trình lấn chiếm gây cản trở dòng chảy dẫn đến dòng nước chảy xiết gây ra sạt lở, sụt lún đất ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ việc lén lút khai thác cát trái phép, tác động đến dòng chảy.
Qua khảo sát, đánh giá hiện trạng và tình hình tại nhiều điểm sạt lở thời gian qua, ngành chức năng đã chỉ ra những nguyên nhân khách quan. Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần, đó là do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, cực đoan. Các vị trí sạt lở thường nằm trong khu vực có đoạn sông cong, lõm, dưới tác động của dòng chảy, triều cường lên xuống hàng ngày.
“Một số nguyên nhân khách quan khác được chỉ ra là số lượng tàu, thuyền, sà lan tải trọng lớn ngày đêm lưu thông qua lại gây sóng tác động vào bờ, trong khi nền đất khu vực yếu và lòng sông rộng, nước chảy xiết nên cũng xảy ra sạt lở. Mặt khác, những năm gần đây, mực nước sông, kênh, rạch xuống thấp làm cho đất dưới lòng kênh bị xói mòn cuốn trôi, tạo thành hố sâu, hở hàm ếch gây ra sạt lở nghiêm trọng” - ông Võ Kim Thuần thông tin.
Một đoạn đường giao thông bên tuyến kênh bị sụt lún, nứt nẻ
Để chống sạt lở, những năm qua, tỉnh triển khai các giải pháp, trong đó có đầu tư các dự án (DA) kè. Hiện nay, tỉnh triển khai và tiếp tục thi công 10 tuyến kè phòng, chống sạt lở với chiều dài gần 14km. Đó là Kè chống sạt lở bờ sông bảo vệ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức; DA Bờ kè thị trấn Tân Thạnh (giai đoạn 2), huyện Tân Thạnh; DA Xử lý chống sạt lở ven sông Vàm Cỏ Tây, khu vực Vịnh Đá Hàn, xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An; DA Kè bảo vệ bờ sông Vàm Cỏ Tây (từ cầu mới Tân An đến tiếp giáp kè Vịnh Đá Hàn); DA Kè chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây (đoạn từ chợ cá phường 2 đến cầu mới Tân An); DA Xử lý sạt lở bờ kênh Nước Mặn, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước; DA Kè chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An; DA Kè chống sạt lở bờ kênh Cầu Duyên, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa; Kè chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây (từ rạch Gốc đến đường Phan Văn Lại), phường 6, TP.Tân An.
Tăng cường dự báo, cảnh báo sạt lở và xử lý vi phạm
Bảng cảnh báo tại một điểm sạt lở
Cùng với việc đầu tư, các ngành chức năng cũng thường xuyên khảo sát, đánh giá tình hình, diễn biến của sạt lở. Qua đó kiến nghị, đề xuất phương án xử lý hoặc thực hiện đầu tư các DA kè. Theo Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh, gần đây, qua rà soát từ các địa phương, trên địa bàn tỉnh có 8 DA đê, kè cần phải thực hiện để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm ngăn mặn, bảo vệ tài sản, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế nên chưa cân đối được vốn đầu tư.
Đó là các DA: Xử lý sạt lở bờ kênh Nước Mặn (phía bờ Tây), xã Phước Đông, huyện Cần Đước; Kè bảo vệ bờ sông Vàm Cỏ Tây (từ Trung tâm Bảo vệ sức khỏe đến kênh Vành Đai), TP.Tân An; Xử lý sạt lở bờ sông Cần Giuộc thuộc thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc; Xử lý sạt lở bờ kênh Bảo Định (đoạn từ đường Võ Văn Môn đến ranh tỉnh Tiền Giang), TP.Tân An; Xây dựng kè từ sông Lò Gạch đến cầu Kênh 28 (từ sông Lò Gạch đến ngã ba sông Long Khốt), xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng; DA chống sạt lở Cụm dân cư Bình Châu (đoạn từ cầu Bình Châu sông Vàm Cỏ Tây đến cầu qua kênh 28), huyện Vĩnh Hưng; Kè chống sạt lở bờ Nam sông Vàm Cỏ Tây (đoạn qua chùa Nổi), xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng; Xử lý sạt lở, bảo vệ thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa. Để có nguồn lực đầu tư 8 DA nêu trên, theo ước tính cần được Trung ương hỗ trợ vốn từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương hơn 3.276 tỉ đồng.
Trước tình trạng sạt lở như những năm qua, tỉnh đôn đốc, chỉ đạo địa phương, ngành chức năng triển khai các giải pháp phòng ngừa để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, bám sát địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ lòng, bờ sông. Đặc biệt, tăng cường rà soát, kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm xây dựng nhà ở, công trình ven sông, trên sông và khai thác đất, cát trái phép làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông.
Khi xảy ra sạt lở, tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành phải rà soát thật kỹ cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, điều kiện công bố tình huống khẩn cấp theo đúng quy định của pháp luật. Trong công tác này, tránh tình trạng tiêu cực xảy ra trong quá trình công bố tình huống khẩn cấp cũng như khi thực hiện các dự án xử lý sạt lở.
Cùng với đó, duy trì, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác phòng, chống sạt lở; tổ chức nhiều hoạt động trồng cây, gia cố bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, ngăn ngừa sạt lở; lập hành lang bảo vệ các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn để vừa ngăn ngừa sạt lở, vừa khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước hiệu quả, bền vững./.
Lê Đức