1. Về Điều 1 của dự thảo Nghị quyết
1.1. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Hiến pháp
- Tại khoản 1, tán thành việc sửa đổi, bổ sung quy định MTTQ Việt Nam “là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”… “thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân”… “phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước”. Điều này là phù hợp, đúng đắn nhằm làm rõ hơn địa vị pháp lý, nâng lên vai trò, vị thế quan trọng đáng có của MTTQ Việt Nam rộng lớn trong giai đoạn cách mạng mới, sau khi các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ hợp nhất vào MTTQ Việt Nam theo chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy lần này.
- Tại khoản 2, dự thảo NQ quy định “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam... được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam”.
Tôi cho rằng quy định này chưa thể chế hóa đầy đủ và đúng với tinh thần các chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các tổ chức này. Theo đó, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ vừa trực thuộc UBMTTQ Việt Nam, vừa có tư cách pháp nhân, bảo đảm tính chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức (độc lập tương đối). Nếu chỉ quy định trực thuộc mà không quy định có tính độc lập sẽ dẫn đến quy định tiếp theo trong dự thảo NQ: “Cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam” là không hợp lý. Bởi lẽ, trực thuộc về bản chất là quan hệ phụ thuộc, chịu sự lãnh đạo thì đương nhiên MTTQ không cần phải hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động với các chủ thể trực thuộc mình.
Do đó, tôi đề nghị bổ sung và thể hiện lại quy định tại khoản này là: “2. Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam… là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam…; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam; đồng thời, độc lập tương đối về tổ chức, cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam”.
1.2. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Hiến pháp
- Nhất trí cao việc dự thảo NQ sửa đổi, bổ sung quy định: “Công đoàn Việt Nam… là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn” nhằm khẳng định vị trí, vai trò quan trọng không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam trong quan hệ lao động, đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên Công đoàn và người lao động; tạo cơ sở pháp lý Hiến định để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp nhằm chống lại các tổ chức bất hợp pháp (thực tế đã diễn ra) mượn danh đại diện cho người lao động Việt Nam để đề nghị tham gia các tổ chức quốc tế về lao động và công đoàn với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước ta và tổ chức Công đoàn.
- Đề nghị bỏ cụm từ “trực thuộc MTTQ Việt Nam;…” để quy định tại Điều này là: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động; đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên Công đoàn và người lao động; là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn… xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Lý do: Cho không trùng lắp. Vì tại khoản 2, Điều 9 của Hiến pháp, dự thảo NQ đã quy định “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam… là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam, được thành lập…”. Tương tự như cách thể hiện của dự thảo NQ, đã bỏ cụm từ “được thành lập trên cơ sở tự nguyện” trong Điều này, vì đã nêu trong khoản 2, Điều 9 (Công đoàn Việt Nam… được thành lập trên cơ sở tự nguyện…).
1.3. Sửa đổi, bổ sung Điều 110 của Hiến pháp
- Tại khoản 1, Điều 110, dự thảo NQ quy định: “Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, theo tôi là chưa đủ rõ, có thể hiểu theo nhiều nghĩa và chưa thể chế chính xác chủ trương xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Quy định này có mặt phù hợp, linh hoạt để sau này có thể đặt tên các loại đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là xã, phường, đặc khu hoặc thành phố mà không phải sửa đổi Hiến pháp nhưng cũng có thể hiểu theo cách khác, là còn có đơn vị hành chính cấp thấp hơn đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tức là chính quyền địa phương 3 cấp. Như vậy là không hợp lý, do đó tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung và thể hiện lại quy định tại khoản này là: “Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị hành chính cấp cơ sở trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương".
- Tại khoản 3, Điều 10, đề nghị giữ lại quy định của Hiến pháp năm 2013, đó là việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương. Bởi đây là quy định nhằm phát huy quyền dân chủ của nhân dân đối với vấn đề hệ trọng, thực tế áp dụng phù hợp, không có gì khó khăn hoặc hình thức nếu có cách làm khoa học, chặt chẽ, thực chất.
Trên cơ sở đó, tôi đề nghị thiết kế lại khoản này là: “Việc xác định các đơn vị hành chính cấp cơ sở trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và do Quốc hội quy định”.
1.4. Sửa đổi, bổ sung Điều 115 của Hiến pháp
Tại khoản 2, Điều này, đề nghị giữ lại thẩm quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân của đại biểu HĐND như quy định của Hiến pháp hiện hành. Bởi:
- Việc này là cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng xét xử của tòa án, thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát nhằm tránh oan, sai, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
- Bản thuyết minh về dự thảo NQ nêu lý do sắp tới bỏ đơn vị hành chính cấp huyện và thành lập Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân khu vực không gắn với một đơn vị hành chính cụ thể nên sẽ không có HĐND ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn. Tuy không chất vấn, song HĐND vẫn thực hiện quyền giám sát, đại biểu HĐND vẫn có quyền kiến nghị và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải tiếp xúc, xem xét trả lời kiến nghị là không có sức thuyết phục. Bởi lẽ: (1) Nên giao và đại biểu HĐND tỉnh, thành phố sẽ thực hiện thẩm quyền này; (2) Chất vấn cũng là hình thức giám sát nhưng là hình thức giám sát trực tiếp, công khai tại kỳ họp buộc người được chất vấn phải trả lời về trách nhiệm của mình đối với vấn đề được nêu ra và trên thực tế áp dụng rất hiệu quả; (3) Không thể thay thế quyền chất vấn bằng quyền kiến nghị bởi 2 chế định này là khác nhau về ý nghĩa, vai trò, tính chất pháp lý và kể cả tính hiệu quả của nó. Mặt khác, dự thảo NQ bỏ luôn thẩm quyền chất vấn tòa án, viện kiểm sát của đại biểu HĐND tỉnh là điều càng không hợp lý. Vì sau hợp nhất tỉnh, thành phố vẫn có HĐND cùng cấp.
2. Về Điều 2 của dự thảo Nghị quyết
Tại cuối khoản 3, Điều này, dự thảo NQ quy định: “Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp”. Theo tôi, quy định này là cần thiết, phù hợp nhằm thể chế hóa quy định của Đảng tại Kết luận số 150-KL/TW của Bộ Chính trị. Trường hợp đặc biệt ở đây cũng không cần phải quy định cụ thể là các trường hợp nào (như có người đề cập) mà các văn bản của cơ quan có thẩm quyền sẽ quy định cụ thể và thực tiễn trong công tác cán bộ Đảng và Nhà nước ta đã từng thực hiện. Hơn nữa, trường hợp đặc biệt này chỉ áp dụng trong thời gian ngắn để phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy trước mắt, còn sau này làm theo luật nên theo tôi là chấp nhận được./.
Đặng Văn Xướng