Sau khi lũ rút, nông dân lại tiếp tục đào ao nuôi cá
Giá cá tra giống vẫn ở mức cao
Hơn 2 tháng nay, giá cá tra giống vẫn ở mức cao. Hiện, giá cá dao động từ 60.000-70.000 đồng/kg, tùy theo trọng lượng cá. Với giá này, nhiều hộ nuôi cá tra giống ở các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh thu lợi nhuận khá cao.
Theo người nuôi cá, mặc dù thời tiết trong vụ này không thuận lợi, một số ao nuôi cá bị nhiễm bệnh nên bị giảm đầu con. Tuy nhiên, do giá cá ở mức cao nên nhiều hộ nuôi cá tra giống có lợi nhuận, một số diện tích ao nuôi quản lý dịch bệnh tốt, sản lượng cao, lợi nhuận từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/ha.
Hiện cá tra giống loại 30-40 con/kg có giá từ 60.000-70.000 đồng/kg, tăng gấp 3-4 lần so với cách nay hơn 2 tháng. Anh Phan Văn Thúc, ngụ xã Hưng Điền, cho biết vụ này, với diện tích 1ha ao, anh vừa thu hoạch gần 25 tấn cá, bán với giá 71.000 đồng/kg. Với sản lượng và giá bán hiện nay, sau khi trừ chi phí, anh thu lợi nhuận gần 1,3 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, còn nhiều hộ dân bị thua lỗ do cá bị nhiễm bệnh, ươm không đạt. Mấy tháng qua, anh L.N.Th, ngụ xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, lỗ hơn 100 triệu đồng sau 5 đợt ươm cá không đạt, đành phải tháo bỏ. Theo anh, chi phí ban đầu mỗi đợt thả nuôi từ con giống, thuốc xử lý ao nuôi, xăng dầu,... từ 20-30 triệu đồng/ha ao.
Diện tích ngày càng tăng
Do lợi nhuận từ nuôi cá tra giống cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa, chỉ trong thời gian ngắn, nông dân các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh (Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường) tự ý chuyển từ đất sản xuất lúa sang đào ao nuôi cá.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn, hiện có trên 1.500ha đất lúa nông dân chuyển sang nuôi cá tra giống. Trong đó, nhiều nhất là huyện Tân Hưng với 1.047ha, Tân Thạnh 308ha, Vĩnh Hưng 93,5ha,...
Con số này chưa dừng lại vì giá cá tra giống tăng mạnh. Sau khi lũ rút, nhiều nông dân lại tiếp tục đào ao nuôi cá.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Hữu Hồng cho biết: Đến nay, nông dân đã đào gần 100ha đất lúa chuyển sang nuôi cá, đa số diện tích này nằm trong quy hoạch của địa phương, trên địa bàn các tuyến kênh lớn như Lò Gạch, Cái Cỏ và sông Vàm Cỏ Tây. Tuy chính quyền địa phương khuyến khích nông dân chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập nhưng nông dân cũng cần theo dõi thị trường, không nên ồ ạt mở rộng diện tích thả nuôi vì sợ gặp khó về đầu ra, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến công tác quy hoạch và nguy hại môi trường tự nhiên.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Nguyễn Trí Dũng, chỉ trong thời gian ngắn, nông dân trên địa bàn đã đào hơn 300ha đất lúa chuyển sang nuôi cá tra giống. Địa phương cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng vì nuôi cá giống rủi ro cao, có nguy cơ thất bại nếu không nắm rõ kỹ thuật nhưng nông dân vẫn làm ồ ạt.
Cần tăng cường quản lý
Từ đầu năm 2018 đến nay, UBND huyện Tân Hưng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai 47 trường hợp với số tiền trên 700 triệu đồng (có hành vi vi phạm hành chính về chuyển mục đích sử dụng đất từ trồng lúa sang đất nuôi trồng thủy sản không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép).
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Hưng - Nguyễn Văn Nghĩa cho biết: Để tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý đất đai theo chỉ đạo của tỉnh, huyện, phòng phối hợp các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cụ thể, lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định đối với hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Sau khi xử lý, các vị trí xảy ra vi phạm nếu phù hợp với quy hoạch thì yêu cầu tổ chức, cá nhân phải thực hiện đầy đủ thủ tục để sử dụng đất đúng pháp luật, riêng trường hợp không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì kiên quyết xử lý buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu.
Do giá cá tra giống ở mức cao nên nhiều hộ dân tự ý chuyển đất sản xuất lúa sang nuôi cá
“Do trước đây, địa phương có quy hoạch chung diện tích nuôi trồng thủy sản ở các xã, thị trấn nhưng không có quy hoạch chi tiết từng vùng, khu vực cụ thể nên việc nông dân tự phát đào ao chuyển từ sản xuất lúa sang nuôi thủy sản rất khó xử lý. Địa phương tiếp tục theo dõi, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân không nên ồ ạt thả nuôi, cần theo dõi thị trường để tránh tình trạng cung vượt cầu dẫn đến thiệt hại” - ông Nguyễn Trí Dũng nói.
Dù bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế nhưng diện tích thả nuôi tăng nhanh cũng khiến tình hình nuôi cá tra gặp khó khăn, nhất là chất lượng cá bột không bảo đảm, diện tích nuôi có các bệnh như gan thận mủ, xuất huyết, trắng gan, trắng mang,... không thể điều trị.
Chính quyền và ngành chức năng nên rà soát lại quy hoạch phát triển nuôi thủy sản, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho người nuôi, kiểm tra chặt chẽ chất lượng cá bột. Các ngành chuyên môn tỉnh quản lý sản xuất giống theo đúng quy định pháp luật, thông tin các trại giống sản xuất uy tín, chất lượng cho người dân. Hướng dẫn người dân có giải pháp xử lý nước thải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát môi trường, phát hiện và xử lý nghiêm. Xử phạt vi phạm hành chính nếu người dân tự ý chuyển mục đích sang đất nuôi trồng thủy sản khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép./.
Trung Kiên