Tiếng Việt | English

30/05/2017 - 11:06

Dự án thủy lợi Phước Hòa: Hiệu quả còn hạn chế do hệ thống kênh chưa đồng bộ

Dự án Thủy lợi (DATL) Phước Hòa (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đưa vào sử dụng bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, có một số tồn tại cần khắc phục để DATL này nói chung và Khu tưới Đức Hòa nói riêng phục vụ tốt sản xuất, sinh hoạt dân sinh, cải thiện môi trường.

Hệ thống kênh của Dự án Thủy lợi Phước Hòa phục vụ nước tưới cho nông dân. Ảnh: HP

Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Đức Hòa - Trần Hữu Lợi thông tin: DATL Phước Hòa - Khu tưới Đức Hòa, nói riêng được khởi công xây dựng vào tháng 3/2013 đến tháng 12/2015 hoàn thành và đưa vào sử dụng. Dự án trải đều trên 11 xã và 1 thị trấn, trong đó có 126 tuyến kênh, chiều dài 182km gồm: Kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3 và 310km hệ thống kênh nội đồng.

Thế nhưng, đến nay, vẫn chưa thực hiện được hệ thống nội đồng. Biện pháp tình thế được đặt ra là trung tâm phối hợp địa phương phát huy hiệu quả kênh cấp 1, cấp 2 phục vụ vụ Đông Xuân 2015-2016, Hè Thu 2016, Đông Xuân 2016-2017. Cơ quan chức năng lên lịch vận hành tưới cho vụ Đông Xuân 2015-2016, Hè Thu 2016 với 1.800ha, kế hoạch thực hiện vụ Đông Xuân 2016-2017 đạt 3.800ha (năng lực công trình thiết kế từ kênh cấp 1 đến kênh cấp 3 là 4.000ha), còn lại là 6.181ha đang chờ đợi kênh nội đồng.

Trước khi triển khai vận hành, trung tâm lường hết những khó khăn: Quá trình vận hành hồ Dầu Tiếng chưa được triển khai; quá trình phối hợp, vận hành giữa Công ty TNHH một thành viên Dầu Tiếng Phước Hòa - Tây Ninh, TP.HCM và Đức Hòa chưa được thống nhất; hệ thống nội đồng chưa được triển khai;... chính từ những khó khăn đó, trung tâm chủ động phối hợp hồ Dầu Tiếng - Tây Ninh, Củ Chi - TP.HCM và Đức Hòa - Long An, thống nhất xây dựng lịch vận hành để phục vụ vụ Đông Xuân
và Hè Thu.

Trung tâm dựa vào lịch xuống giống vụ Hè Thu, vụ lúa mùa là chính, một phần cung cấp cho Nhà máy nước Phú Mỹ Vinh,... Trên cơ sở đó, trung tâm xây dựng lịch cụ thể từng ngày, từng tháng trong một vụ, cụ thể và được thông tin trên các phương tiện thông tin, truyền thông đến người dân, thông báo cho các cơ quan liên quan quản lý trong vùng.

DATL Phước Hòa - Khu tưới Đức Hòa, hoàn thành và đưa vào sử dụng giúp nông dân chủ động nguồn nước tưới tiêu cho diện tích canh tác. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong khu vực điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản.

Trong quá trình vận hành, Dự án Thủy Lợi Phước Hòa vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục . Ảnh HP

Ông Lê Văn Liêm, ngụ ấp Lập Điền, xã Tân Mỹ cho biết: “Có nguồn nước ổn định, chúng tôi yên tâm sản xuất. Lúc trước, sản xuất phụ thuộc vào thời tiết nhưng nay, nông dân có thể chủ động trong sản xuất”.

Còn ông Trần Văn Mốm, ngụ cùng địa phương chia sẻ: “Gia đình tôi canh tác 1ha đất. Hàng năm, tôi làm 1 vụ lúa - 1 vụ màu. Từ khi công trình thủy lợi Khu tưới Đức Hòa đưa vào sử dụng, tôi có thể sản xuất 1 năm 3 vụ”.

Khó khăn lớn nhất hiện nay trong quá trình phát huy hiệu quả DATL Phước Hòa là hệ thống kênh nội đồng.

Ông Trần Hữu Lợi cho biết thêm: "Trung tâm chủ động báo cáo UBND huyện Đức Hòa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp Ban Quản lý DA và các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong DATL Phước Hòa sớm triển khai theo quy trình vận hành nước giữa Tây Ninh, TP.HCM và Long An nhằm chủ động nguồn nước, phục vụ tưới tiêu và ngăn mặn, sớm tổ chức các cuộc họp dân để cùng phối hợp cơ quan chuyên môn thiết kế kênh nội đồng. Đề nghị duy tu, sửa chữa hàng năm theo quy định để phát huy tính đồng bộ của DA. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nếu không sớm thực hiện thiết kế và thi công kênh nội đồng thì DA chỉ đáp ứng 50% yêu cầu - so với thiết kế".

Để phát huy hiệu quả toàn diện DA phục vụ trên 10.181ha, vấn đề đặt ra là các cấp chính quyền và các ngành chuyên môn cần sớm thực hiện thiết kế quy hoạch, xây dựng hệ thống kênh nội đồng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: “Công trình Khu tưới Đức Hòa là DA được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư lớn nhất ở Tây Nam bộ. Nhằm phát huy hiệu quả công trình này, huyện Đức Hòa phải tập trung chỉ đạo đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng thật đồng bộ, hiện đại,... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo đà cho người dân canh tác, mở rộng sản xuất, thay đổi đời sống. Và đây cũng là công trình có tác động lớn vào việc xây dựng và phát triển nông thôn mới ở huyện Đức Hòa”./.

Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết