Tiếng Việt | English

17/11/2021 - 10:43

Đưa pháp luật đến với hội viên, nông dân

Thời gian qua, thực hiện Quyết định 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, Hội Nông dân (HND) các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL), tham gia tiếp và đối thoại với nông dân, thực hiện tốt công tác hòa giải và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

Buổi sinh hoạt của hội viên Hội Nông dân huyện Thủ Thừa, trong đó có lồng ghép tuyên truyền về pháp luật (Ảnh tư liệu)

Hội Nông dân các cấp phối hợp ngành Tư pháp tổ chức triển khai các văn bản pháp luật mới ban hành như Bộ luật Lao động; Luật Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi, bổ sung năm 2019); Luật Thư viện; Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Dân quân tự vệ;... Các cấp HND tập trung tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện những nội dung cơ bản của luật, văn bản pháp luật có liên quan, nhất là tình hình nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó chú trọng tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, công tác phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh.

Các hình thức TTPBGDPL là lồng ghép những buổi sinh hoạt của các chi, tổ hội, câu lạc bộ nông dân; thông tin trên trạm, đài truyền thanh cấp huyện, xã và trong các lớp tập huấn cán bộ hội tại cơ sở. Từ đầu năm 2021 đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đã cung cấp 10.050 cuốn sổ tay, 26.850 tài liệu TTPBGDPL cho cán bộ HND ở cơ sở. HND cấp huyện phối hợp Phòng Tư pháp, Thanh tra, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tổ chức nhiều buổi tập huấn cho cán bộ HND, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nông dân được 1.178 cuộc, có 37.464 lượt người tham dự (trong đó trợ giúp pháp lý cho 724 người có nhu cầu).

Chủ tịch HND huyện Đức Huệ - Nguyễn Thị Nhiều cho biết: “Thường trực HND huyện thường xuyên tham gia sinh hoạt cùng các chi, tổ hội để kịp thời nắm tư tưởng của hội viên (HV), nông dân và lồng ghép TTPBGDPL cho HV, nông dân; đồng thời, phát động xây dựng chi hội nghề nghiệp để tổ chức HND ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động".

Theo HND thị xã Kiến Tường, bên cạnh việc đổi mới nội dung, hình thức TTPBGDPL, vận động HV, nông dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phong trào hội, Hội còn phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, phối hợp UBMTTQ Việt Nam phản ánh ý kiến, kiến nghị của HV, nông dân.

Theo số liệu của HND tỉnh, từ năm 2018 đến năm 2021, các cấp HND tổ chức TTPBGDPL về khiếu nại, tố cáo được 1.754 cuộc với 218.826 lượt người dự. Ban thường vụ các cấp Hội và đại diện các chi, tổ hội trực tiếp giải quyết 5.144 vụ tranh chấp, khiếu nại của nông dân. Các cấp HND trực tiếp hòa giải thành 1.327 vụ tranh chấp, khiếu nại và mâu thuẫn; tham gia hòa giải 3.150 vụ mâu thuẫn từ nội bộ nông dân.

Phó Chủ tịch HND tỉnh Long An- Ngô Thanh Tuyền cho biết: “Các cấp Hội trong tỉnh thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức triển khai Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, tiếp tục chỉ đạo cấp hội cơ sở triển khai Pháp lệnh Thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, quy định về việc MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền đến từng chi, tổ hội và HV, nông dân"./.

Minh Đăng

Chia sẻ bài viết