Tiếng Việt | English

04/11/2021 - 08:39

Duy trì và nhân rộng các hợp tác xã điểm điển hình về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thời gian qua, việc xây dựng các mô hình hợp tác xã (HTX) điểm và HTX điển hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) của tỉnh Long An đạt nhiều tín hiệu tích cực, bước đầu hình thành được mô hình HTX điểm sản xuất nông nghiệp ƯDCNC và nâng cao nhận thức của người dân về mô hình HTX kiểu mới. Qua đó, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa lớn, có tính tập trung, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nông dân áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất

Nhiều tín hiệu tích cực

Sau gần 3 năm triển khai, thực hiện xây dựng 16 HTX điểm và 4 HTX điển hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC trên 3 cây, 1 con (cây lúa, thanh long, rau và con bò), ngành Nông nghiệp tỉnh đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Nông dân bắt đầu thay đổi tư duy, nhận thức về cách sản xuất, tổ chức lại hiệu quả hơn, chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, các sản phẩm cũng ngày càng có sức cạnh tranh trên thị trường.

HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dương Xuân (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) được chọn làm điểm điển hình về cây thanh long. HTX có khoảng 545 thành viên (trong đó 115 hộ thành viên chính thức), chia thành 19 tổ hợp tác, sản xuất 352ha. Toàn bộ thành viên đều ƯDCNC vào sản xuất, trong đó có 66ha đạt chuẩn VietGAP.

Ông Lê Tấn Bửu (thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dương Xuân) cho biết: “Khi được tỉnh chọn làm HTX điểm về sản xuất thanh long ƯDCNC, nông dân được hỗ trợ 30% các sản phẩm sinh học để chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh. Ngoài ra, chúng tôi còn được hỗ trợ 30% chi phí mua bóng đèn compact ánh sáng đỏ 20W với định mức hỗ trợ 420 bóng/ha”.

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dương Xuân - Phan Thanh Sơn chia sẻ: “Hiện nay, HTX tích cực vận động người trồng thanh long chuyển đổi phương thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Bước đầu, HTX sẽ hỗ trợ mỗi hécta thanh long từ 400 - 500kg phân vi sinh và cam kết hỗ trợ thu mua với giá cao hơn thị trường từ 500 - 1.000 đồng/kg. Đồng thời, HTX sẽ phối hợp ngành Nông nghiệp huyện hỗ trợ về kỹ thuật để người dân chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP”.

Tại huyện Tân Hưng, HTX Nông nghiệp 1/5 (xã Vĩnh Châu A) được chọn để xây dựng HTX điểm. Hiện nay, HTX có 88 thành viên, vốn điều lệ 649 triệu đồng, diện tích sản xuất 310ha. Được biết, hàng năm, UBND huyện hỗ trợ gần 200 triệu đồng để HTX thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trên diện tích 50ha.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Lê Thành Yên cho biết: “Thời gian qua, HTX Nông nghiệp 1/5 tích cực ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất như san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser, cơ giới hóa trong khâu gieo, cấy, bón phân, phun thuốc; 100% diện tích thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp cũng làm giảm mức tổn thất sau thu hoạch, tăng thêm thu nhập cho người trồng lúa. Trong đó, việc ứng dụng quy trình canh tác lúa theo VietGAP 50ha, hữu cơ được nông dân thực hiện ngày càng nhiều”.

Cũng nằm trong kế hoạch xây dựng HTX điểm điển hình, hiện nay, HTX Nông nghiệp Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) đã kiện toàn bộ máy tổ chức, có trụ sở hoạt động, nhà sơ chế đầy đủ. Đặc biệt, sản phẩm của các thành viên được HTX hỗ trợ thu mua toàn bộ.

Theo Giám đốc HTX Phước Thịnh - Đặng Duy Dũng, HTX và thành viên HTX đều cam kết sản xuất theo quy trình VietGAP với tổng diện tích khoảng 30ha, trong đó 16,59ha ƯDCNC vào sản xuất (có nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm tự động và sử dụng phân hữu cơ vi sinh). HTX đang liên kết tiêu thụ với 19 cơ sở (bếp ăn tập thể của các nhà trẻ, công ty, siêu thị trong và ngoài tỉnh) với số lượng rau khoảng 7 tấn/ngày.

Cần được hỗ trợ để duy trì và nhân rộng mô hình

Bên cạnh những kết quả tích cực bước đầu, việc phát triển, nhân rộng mô hình HTX điểm, điển hình ƯDCNC trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do quy mô sản xuất của các HTX nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ, năng lực quản lý còn hạn chế, khả năng tài chính hạn hẹp. Bên cạnh đó, một số HTX cũng khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi do không có tài sản thế chấp nên hiệu quả đạt được chưa cao.

Các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao

Được chọn để xây dựng mô hình điểm về chăn nuôi bò thịt từ năm 2019, HTX Chăn nuôi bò thịt Hòa Khánh Đông (huyện Đức Hòa) đạt nhiều kết quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng đàn bò. Tuy nhiên, hiện nay HTX vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, nhất là chưa tiếp cận được nguồn vốn vay để nhân rộng đàn bò. Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Chăn nuôi bò thịt Hòa Khánh Đông - Võ Thanh Quang kiến nghị tỉnh có thêm những chính sách hỗ trợ về vốn và thị trường tiêu thụ để tập trung được nhiều người chăn nuôi hơn nữa.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện thông tin: Nhiều mô hình HTX điểm cho hiệu quả cao đã tạo được sức lan tỏa và ủng hộ của người dân, nhiều hộ sau khi tham quan học tập chủ động tham gia vào HTX và thực hiện áp dụng quy trình sản xuất ƯDCNC mà HTX đang thực hiện.

Tuy nhiên, sau gần 3 năm thực hiện, chỉ có 4/16 HTX đạt 5/5 tiêu chí của HTX điểm, 6 HTX không thay đổi so với ban đầu, 5 HTX tăng 1 tiêu chí và 5 HTX tăng 2, 3 tiêu chí so với ban đầu. Việc đạt các tiêu chí ở mức chưa cao cho thấy chưa có sự thay đổi rõ nét ở các mô hình HTX điểm ƯDCNC.

“Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan và địa phương tăng cường, củng cố bộ máy hoạt động cho các HTX, đẩy mạnh việc sản xuất theo VietGAP, sản xuất theo chuỗi giá trị để tìm kiếm đầu ra bền vững cho các sản phẩm” - ông Thiện thông tin thêm./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết