Tiếng Việt | English

14/05/2019 - 14:01

EU hối thúc các bên tại Libya nối lại đối thoại chính trị

Ngày 13/5, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini nhấn mạnh sự cần thiết phải nối lại tiến trình đối thoại chính trị ở Libya.

Giao tranh giữa lực lượng trung thành với Tướng Khalifa Haftar và binh sỹ quân đội Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) tại Libya, ông Fayez al-Sarraj, được cộng đồng quốc tế công nhận, tại thủ đô Brussels của Bỉ, bà Mogherini đã đưa ra tuyên bố trên.

Bà nhắc lại rằng EU hy vọng tất cả các bên, các nước liên quan trong khu vực sẽ ngừng ngay lập tức các hoạt động quân sự của mình và bắt đầu lại cuộc đối thoại chính trị, vì lợi ích của người dân Libya.

Đại diện cấp cao của EU cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc người dân Libya được tiếp cận viện trợ nhân đạo cũng như sự cần thiết phải bảo vệ dân thường và người nhập cư trong các nhà tù ở Libya.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Ngoại trưởng các nước EU nhóm họp tại Brussels đã ra tuyên bố kêu gọi tất cả các bên xung đột tại Libya thực thi ngay lập tức lệnh ngừng bắn và cam kết đối thoại với Liên hợp quốc để đảm bảo ngừng bắn hoàn toàn.

Các ngoại trưởng cảnh báo rằng xung đột tại Libya, đặc biệt là khu vực thủ đô Tripoli, là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Giới chức ngoại giao EU đồng thời nhấn mạnh các cuộc tấn công vào khu đông dân cư có thể bị coi là tội ác chiến tranh và các bên liên quan phải chịu trách nhiệm cho tội ác này.

Từ đầu tháng 4 vừa qua, Lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) trung thành với của Tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu chính quyền miền Đông, đã phát động chiến dịch quân sự nhằm đánh chiếm thủ đô Tripoli.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, cuộc xung đột đến nay đã làm 454 người thiệt mạng, 2.154 người bị thương và gần 60.000 người dân phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Tại Libya đang tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. LNA của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông, trong khi GNA được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết