Tiếng Việt | English

27/06/2016 - 10:25

Gắn kết yêu thương từ bữa cơm gia đình

Kỷ niệm 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6-2001 - 28-6-2016), nhiều hoạt động hưởng ứng được tổ chức ở khắp nơi như: Tuyên dương gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa tiêu biểu, họp mặt, nói chuyện về gia đình, thi nấu ăn,...

Riêng Long An sẽ tổ chức Hội thi gia đình văn hóa năm 2016 với 40 gia đình văn hóa, đại diện cho hàng trăm ngàn gia đình trong tỉnh về tham dự, tạo nên ngày hội lớn mừng Ngày Gia đình Việt Nam.

Ngày Gia đình Việt Nam năm nay tiếp tục chủ đề Ngày Gia đình năm 2014, 2015: “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”. Đó là sự đề cao, trân trọng những giây phút sum họp, hạnh phúc của từng gia đình trong bữa cơm đầm ấm; nhắc nhở mọi người không được lơ là, quay lưng với bữa cơm truyền thống, thiếu hơi ấm bếp nhà, chỉ quen “cơm hàng cháo chợ”. Ai cũng biết, bữa cơm là thành quả lao động của các thành viên trong gia đình, là nơi truyền nhận những kinh nghiệm giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên để cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Bữa cơm còn thể hiện nền nếp, gia phong của gia đình; nơi “học ăn, học nói, học gói, học mở”, trước khi mỗi thành viên ra xã hội học tập, làm việc, giao tiếp và chấp hành pháp luật.

Người Việt truyền thống rất quan tâm, đề cao bữa cơm gia đình, luôn xem đây là nơi sum họp ấm cúng, có những phút giây hạnh phúc bên nhau sau một ngày lao động sản xuất, công tác, học tập,... Trong bữa ăn, chỉ dành cho nhau những lời chân tình động viên, chia sẻ, cử chỉ thân mật, kính trên nhường dưới. Những bữa cơm cuối ngày, cuối tuần, cuối năm càng mang ý nghĩa sâu sắc.

Trong xã hội công nghiệp, nhiều gia đình bị chi phối bởi những yếu tố: Sức ép từ cuộc sống, những vất vả mưu sinh, có thành viên công tác, học tập,... xa nhà, thiếu vắng dần những bữa cơm gia đình,... làm cho sợi dây tình cảm ruột rà trở nên lỏng lẻo. Thậm chí, có người còn cảm thấy bơ vơ, lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình.

Chính gia đình và tình cảm gia đình thông qua những bữa cơm đầm ấm sẽ gắn kết chặt chẽ các thành viên lại với nhau, cùng nhau tìm thấy sự quan tâm chia sẻ và niềm hạnh phúc. “Dù là vua chúa hay dân cày, người nào tìm thấy sự bình an trong gia đình thì đó là người sung sướng nhất” (thi hào Goethe). Mong rằng, qua thông điệp của Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, mọi người hãy dành sự quan tâm đặc biệt cho gia đình, nhất là bữa cơm gia đình để xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là "tế bào khỏe mạnh" - nền tảng xây dựng xã hội phồn vinh./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích