Tiếng Việt | English

26/08/2019 - 10:45

Giá lúa Hè Thu tăng nhưng lợi nhuận không cao

Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh Long An đang thu hoạch vụ lúa Hè Thu (HT) 2019 nhưng khá lo lắng khâu tiêu thụ.

Lợi nhuận không cao

Vụ lúa HT 2019, toàn tỉnh gieo sạ 221.936ha, đạt 100,2% kế hoạch, bằng 99,2% so với vụ HT 2018. Đến thời điểm này, toàn tỉnh thu hoạch trên 147.669ha, tập trung chủ yếu ở các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười, năng suất khô ước đạt 47,1 tạ/ha, sản lượng 695.593 tấn. Những tuần qua, xuất hiện mưa khiến nông dân lo lắng vì nhiều ruộng lúa đang chín vàng trong khi tiến độ thu hoạch khá chậm vì giá lúa đang giảm.

Giá lúa Hè Thu 2019 có tăng so với đầu vụ nhưng nông dân vẫn không vui vì lãi không cao

Đang thu hoạch lúa, gia đình ông Nguyễn Thanh Tuấn (xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) lo lắng vì trời hay mưa và giá lúa ở mức thấp. Ông Tuấn cho biết: “Thời tiết xấu, thu hoạch lúa phải tốn nhiều công sức, chi phí. Năm nay, năng suất lúa của gia đình chỉ đạt trên 5 tấn/ha, giảm gần 200-300kg/ha so với năm trước. Với giá này, nông dân lãi không cao”. Trong tháng 8, toàn huyện Thạnh Hóa thu hoạch rộ trên 18.900ha lúa HT 2019. Trước những khó khăn của nông dân, ngành nông nghiệp huyện phối hợp các đơn vị liên quan liên hệ các đơn vị, doanh nghiệp (DN) thu mua nhằm bảo đảm tốt khâu tiêu thụ. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Tây - Nguyễn Văn Lựa cho biết: “Vùng này mỗi năm chỉ sản xuất 2 vụ lúa, vì vậy nông dân đều kỳ vọng vào từng mùa. Không ngờ giá lúa HT năm nay khá thấp khiến nông dân bị mất đồng lời. Cùng với đó, tiêu thụ cũng đang là vấn đề cấp bách mà chúng tôi rất cần được hỗ trợ từ phía Nhà nước”.

“Hiện nay, lúa HT trên địa bàn huyện đang vào vụ thu hoạch. Dù giá lúa có tăng nhưng vẫn không cao so cùng kỳ, khiến nông dân gặp khó khăn. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp huyện cùng các ngành liên quan tìm hiểu nguyên nhân để tháo gỡ khó khăn cho nông dân. Trong đó, giải pháp cấp thiết nhất là kêu gọi DN liên kết thu mua. Vụ này, HTX liên kết với Công ty Trí Mai (huyện Thủ Thừa) sản xuất trên 50ha giống nếp thơm, dự kiến đến cuối tháng 8 thu hoạch dứt điểm. Hiện công ty thu mua với giá 5.850 đồng/kg, do đó trung bình 1ha, nông dân chỉ lãi trên 10 triệu đồng” - ông Lựa nói thêm.

Tại huyện Vĩnh Hưng, nông dân thu hoạch lúa HT 2019 gần như dứt điểm (khoảng 28.700ha). Tuy nhiên, nông dân cũng không phấn khởi vì năm nay giá lúa không cao. Bà Trương Thị Loan (xã Khánh Hưng) cho biết: “Gia đình tôi trồng trên 10ha lúa, chủ yếu là đất thuê và đã thu hoạch cách đây hơn 2 tuần. Hơn 1 tháng trước, khi lúa gần chín, có thương lái hỏi mua nhưng ít ai chịu bán bởi hy vọng giá lúa sẽ cao hơn. Vậy mà gần đến thu hoạch, lúa tươi giống OM 4900 chỉ có giá 4.900 đồng/kg; Đài thơm 8 giá 4.900-5.000 đồng/kg; OM 5451 giá 4.550 đồng/kg; IR 50404 chỉ còn 3.900-4.000 đồng/kg;...

Mức giá này mặc dù có tăng nhưng vẫn thấp hơn so cùng kỳ năm trước khoảng 400-600 đồng/kg. Cùng với việc giá lúa không cao, năm nay, sâu, bệnh phức tạp khiến chi phí sản xuất cũng tăng cao, do đó nông dân chỉ mong huề vốn chứ không dám nghĩ tới lãi”.

Thiếu sự liên kết

Vụ HT 2019, toàn tỉnh có 27 DN ký kết hợp đồng liên kết xây dựng 94 cánh đồng lớn với diện tích thực hiện trên 7.900ha, 2.703 hộ đăng ký tham gia. Đến nay, số diện tích lúa ở cánh đồng lớn đã thu hoạch gần hết nhưng diện tích thu mua mới 4.866,5ha, năng suất ước đạt 45 tạ/ha, sản lượng ước đạt 32.846,85 tấn, giá mua lúa OM các loại từ 4.500-5.050 đồng/kg, IR50404 từ 4.050-4.100 đồng/kg, Đài thơm 8 từ 5.250-5.300 đồng/kg. Diện tích thu hoạch còn lại, nông dân bán ra ngoài. Theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Hưng (Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời) - Huỳnh Công Tâm, vụ HT 2019, công ty liên kết sản xuất trên 3.000ha. Hiện nay, công ty đã thu mua gần hết, chỉ còn khoảng vài chục hécta dự kiến ngày 10-9 thu hoạch dứt điểm. Khi nông dân tham gia liên kết, chi phí thấp hơn sản xuất bên ngoài liên kết khoảng 2 triệu đồng/ha và được công ty thu mua với giá thị trường nên lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, trong quá trình liên kết, một số nông dân tự ý lấy cọc bên ngoài khi chưa đến thời điểm chốt giá thu mua theo hợp đồng. Một số trường hợp đã ký biên bản chốt giá thu mua nhưng khi thương lái vào trả giá cao hơn thì bán ra ngoài.

Việc liên kết vẫn còn thiếu chặt chẽ giữa DN với nông dân không chỉ dẫn đến sự đứt gãy trong mô hình cánh đồng lớn mà còn khiến nông dân trở lại với cảnh “được mùa - mất giá, mất mùa - được giá”. Giám đốc HTX Gò Gòn (huyện Tân Hưng) - Trương Hữu Trí cho biết: “Vụ HT 2019, HTX có liên kết Công ty Cổ phần Phoenix Group khoảng 400ha. Tuy nhiên, đến khi thu hoạch, công ty thu mua thấp hơn giá thị trường 200 đồng/kg. Vì vậy, nhiều nông dân đã bán lúa ra cho các công ty bên ngoài với giá 5.000 đồng/kg (Đài thơm 8). Giờ đây, tôi chỉ mong chính quyền tìm giải pháp hữu hiệu cho nông dân sản xuất bán được lúa; hỗ trợ liên kết giữa DN với nông dân chặt chẽ hơn; có chính sách, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, thời hạn lâu dài, giúp nông dân an tâm bám cây lúa. Vì hiện nay, nông dân đối mặt với giá vật tư tăng cao, trong khi giá lúa xuống thấp”.

Nhận xét về mối liên kết tiêu thụ lúa giữa DN và nông dân trong mô hình cánh đồng lớn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện nói: “Mối liên kết quan trọng nhất của cánh đồng lớn là nông dân và DN trên thực tế đang rất lỏng lẻo. Ở nhiều địa phương, do giá lúa trong mô hình ít được thỏa thuận ngay từ đầu vụ dẫn đến tỷ lệ các hợp đồng thành công thấp. Nguyên nhân nằm ở cả nông dân và DN. Do không có ràng buộc rõ ràng cho nên một trong hai bên đều có thể “bẻ kèo” bất cứ lúc nào vì lợi ích của mình. Chuyện nông dân trong cánh đồng liên kết bán lúa ra ngoài không phải là hiếm vì giá cao hơn hoặc vì nhu cầu gấp gáp. Những năm gần đây, diện tích cánh đồng lớn có liên kết bao tiêu giữa DN và nông dân sụt giảm là do DN thiếu vốn. Để nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao theo hướng bền vững, nhất là trong giai đoạn cấp bách hiện nay là xây dựng, thúc đẩy các đầu mối liên kết, tỉnh cần rà soát, quy hoạch lại các sản phẩm chủ lực, trong đó có lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, dựa trên lợi thế cạnh tranh, tránh dàn trải để tập trung đầu tư chiều sâu.

Bên cạnh đó, tăng cường liên kết vùng sản xuất và tiêu thụ, liên kết vùng chuyên canh và tập trung sản xuất, liên kết chuỗi sản xuất, liên kết thị trường - doanh nghiệp và liên kết vùng. Vai trò của liên kết sản xuất đến các hộ nông dân vô cùng quan trọng. Chính vì thế, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đến nông dân về vai trò, tầm quan trọng của liên kết sản xuất, giúp họ hiểu lợi ích và tham gia mô hình”./.

Hiện giá lúa tươi bán tại ruộng tăng so với tháng trước. Cụ thể, lúa IR50404 từ 4.000-4.800 đồng/kg, tăng 700 đồng/kg; OM các loại (OM 4900, OM 6976,...) từ 5.000-5.800 đồng/kg, tăng 800-1.000 đồng/kg; nếp từ 5.300-6.000 đồng/kg, tăng 100-500 đồng/kg; ST24 từ 5.500-5.800 đồng/kg, tăng 300-500 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 5.500-5.900 đồng/kg, tăng 600-1.200 đồng/kg.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết