Tiếng Việt | English

25/12/2017 - 09:28

Giá tôm tăng - Nông dân phấn khởi

Những tháng cuối năm, giá tôm sú, tôm thẻ khá cao và tương đối ổn định nên người nuôi rất phấn khởi.

Giá tôm tăng nông dân phấn khởi

Người nuôi tôm có lãi cao

Đến nay, tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh là 1.538,4ha, trong đó có 179,6ha đã thu hoạch, năng suất bình quân ước 2,2 tấn/ha. Theo anh Trần Văn Việt - thương lái thu mua tôm ở xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, mấy ngày nay, giá thu mua tôm sú và tôm thẻ chân trắng các loại tại ao tăng 5.000-10.000 đồng/kg so với tháng trước. Tôm thẻ chân trắng cỡ 60-70 con/kg, giá từ 120.000-130.000 đồng/kg; cỡ 100-110 con/kg, giá từ 105.000-110.000 đồng/kg. Tôm sú cỡ 40-50 con/kg, giá từ 210.000-220.000 đồng/kg; cỡ 70-80 con/kg, giá từ 130.000-140.000 đồng/kg.

Ông Cao Văn Linh, ngụ xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, có 2 ao nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 8.000m2 mặt nước, cho biết: “Vụ đầu tiên, tôm bị bệnh hoại tử gan tụy chết vào khoảng 40 ngày tuổi, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg lúc đó chỉ 90.000 đồng/kg nên tôi lỗ 60 triệu đồng. Vụ thứ 2, tôi chỉ nuôi 1 ao và may mắn tôm phát triển thuận lợi. Đến khi tôm nuôi đạt cỡ 100 con/kg, tôi thu hoạch, bán với giá 95.000 đồng/kg, lời được 50 triệu đồng. Cách đây vài ngày, tôi thu hoạch ao thứ 2. Tôm cỡ 100 con/kg, bán được giá 107.000 đồng/kg, tôi lời trên 80 triệu đồng”.

Còn anh Nguyễn Minh Sơn, ngụ xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, phấn khởi: “Hầu hết các hộ nuôi tôm nước lợ ở đây đều thả nuôi tôm thẻ chân trắng. Những vụ tôm trước trong năm nay, nhiều người nuôi có tôm bị bệnh, thua lỗ phải thiếu nợ tiền thức ăn, thuốc, hóa chất của đại lý. Vụ tôm này, mặc dù tôm cũng khó nuôi nhưng do trúng giá nên lãi cao, tính ra mỗi hécta lợi nhuận gần 500 triệu đồng”.

Cần đề phòng dịch bệnh

Theo ông Mai Bá Lực, ngụ xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, vụ tôm năm nay không thể nói là thành công mỹ mãn, vì dịch bệnh trên tôm xảy ra khá nhiều do thời tiết diễn biến phức tạp. Nhờ tôm có giá mà những người nuôi thành công có lãi cao, người nuôi có tôm bị bệnh cũng ít lỗ hơn nên đây là năm khá thuận lợi cho người nuôi tôm. Ông Lực cho hay: Từ đầu năm đến nay, ông thu hoạch 2 vụ tôm thẻ chân trắng, lời được 200 triệu đồng. Hiện, vụ tôm ông thả nuôi được gần 2 tháng có chiều hướng phát triển tốt. Với giá tôm tăng cao, hứa hẹn tiếp tục mang về cho ông vụ mùa bội thu.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Phạm Phú Hùng cho biết: “Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp khiến nhiều hộ nuôi tôm bị dịch bệnh phải chịu mất trắng. Người nuôi tôm không nên ham giá cao, lợi nhuận lớn mà tiếp tục thả tôm giống trong những tháng cuối năm, bởi trong thời gian này, nhiệt độ lạnh, độ mặn thấp, chất lượng giống thấp,... là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh trên tôm phát triển mạnh dẫn đến tỷ lệ rủi ro trong nuôi tôm cao. Mặt khác, ao nuôi tôm cũng cần phải có thời gian ngừng nuôi tôm đồng loạt để cải tạo nền đáy ao, cắt mầm bệnh giữa 2 vụ nuôi giúp vụ tôm sau thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, người nuôi cần chọn nơi cung cấp giống uy tín, tôm giống đạt chất lượng, qua kiểm dịch, được xét nghiệm âm tính với các bệnh nguy hiểm trước khi thả nuôi; không để nguồn tôm giống trôi nổi, giá rẻ len lỏi vào vùng nuôi vì nguy cơ mang theo mầm bệnh làm phát sinh dịch bệnh rất lớn; mật độ thả nuôi thấp, phù hợp với điều kiện ao nuôi. Người nuôi nên xác định thời gian thả nuôi, thời điểm thu hoạch hợp lý để bảo đảm đạt hiệu quả; thường xuyên bón vôi CaCO3 quanh bờ ao trước khi trời mưa. Sau khi mưa nhiều, phải kiểm tra các yếu tố môi trường (pH, kiềm, oxy,...), đặc biệt là lượng oxy hòa tan để điều chỉnh kịp thời. Mực nước ao nuôi nên duy trì từ 1,2-1,5m; quản lý chặt chẽ lượng thức ăn hàng ngày, cần bổ sung vitamin C, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi. Khi nhiệt độ thay đổi, cần giảm cho tôm ăn và mở quạt nước thường xuyên; kiểm tra sức khỏe tôm hàng ngày như màu sắc tôm, khả năng hoạt động, vỏ tôm, khối gan tụy, ruột,... để có các biện pháp kỹ thuật xử lý kịp thời và hợp lý nhất”./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết