Tiếng Việt | English

10/05/2016 - 10:10

Giải pháp nào vừa ngăn mặn, vừa bảo đảm giao thông đường thủy?

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Long An tiến hành đắp một số đập ngăn mặn trên các kênh, rạch nối sông Vàm Cỏ Tây với vùng Đồng Tháp Mười của Long An và Tiền Giang. Qua đó, góp phần ngăn mặn xâm nhập vào sâu nội đồng và bảo vệ khoảng 30.000ha khóm của cả 2 tỉnh.

Tuy nhiên, một số người dân trồng khoai mỡ khu vực Bến Kè, xã Thủy Đông và xã Thạnh An của huyện Thạnh Hóa lại gặp khó khăn trong việc vận chuyển vật tư nông nghiệp và nông sản bằng đường thủy khi một số đập bị ngăn.

Vì vậy, bài toán đặt ra đối với nhà khoa học và nhà quy hoạch hạ tầng nông nghiệp - nông thôn là làm sao vừa ngăn mặn có hiệu quả lại vừa bảo đảm giao thông đường thủy.

Nông dân tạm thời không thể sử dụng ghe, xuồng khi có cống ngăn mặn

Chủ tịch UBND xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa - Lê Văn Lợi cho biết: Việc xây cống ngăn mặn cố định trên Quốc lộ 62 khiến giao thông đường thủy bị hạn chế. Do đó, việc xây dựng cống tạm và có khả năng mở cống để phương tiện thủy nội địa qua lại là việc làm cần thiết.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT - Lê Văn Hoàng: Việc xây dựng cống vừa ngăn mặn vừa bảo đảm giao thông thủy (tương tự âu thuyền Rạch Chanh) là hết sức tốn kém, do đó, giải pháp vẫn chỉ là làm cống ngăn mặn (như của xã Tân Tây) nhưng địa điểm xây dựng cống nên gần sông Vàm Cỏ Tây để kịp thời ngăn mặn khi cần.

Tình hình mặn xâm nhập và hạn kéo dài đòi hỏi bài toán trữ nước ngọt được đặt ra. Do trước đây, khi khai thác các hầm đất để xây dựng cụm, tuyến dân cư, các nhà quy hoạch chưa tính tới việc sau khi khai thác, có thể tiếp tục sử dụng các hầm đất này để chứa nước ngọt hoặc nuôi trồng thủy sản và đơn giản hơn nữa là để chữa cháy rừng.

Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Thành Ái cho biết: "Vào ngày 19-4-2016, xảy ra vụ cháy rừng tại Lâm trường Thạnh Hóa, thuộc xã Thủy Đông, toàn bộ khu vực không có nước vì mùa khô năm nay kéo dài nên nước trong các kênh đã cạn kiệt, rất may là gần đó lại có hầm đất khai thác và còn trữ nước nên các đơn vị chữa cháy đã dùng máy bơm bơm nước dập lửa".

Giám đốc Sở NN&PTNT - Lê Văn Hoàng cho biết thêm: Hiện nay, Long An có khá nhiều hầm đất sau khai thác đây là nguồn trữ nước có hiệu quả, tuy nhiên do khai thác quá sâu nên đáy bị nhiễm phèn do đó chỉ có thể sử dụng được lớp nước mặt. Hiện Sở NN&PTNT Long An đang đề nghị Dự án Rừng và Đồng bằng (nguồn vốn ODA) nghiên cứu để sử dụng có hiệu quả nguồn nước từ các hầm đất này./.

Đại Lâm

Chia sẻ bài viết