Tệ nạn ma túy ở nước ta vẫn đang diễn biến phức tạp, tình trạng giới trẻ sử dụng ma túy tổng hợp tăng, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng an ninh, trật tự ở địa phương, sự phát triển KT-XH, phá vỡ hạnh phúc của nhiều gia đình và là hiểm họa lâu dài cho giống nòi, dân tộc.
Để người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân cần hiểu rõ cai nghiện ma túy là quá trình khó khăn, phức tạp, lâu dài, rất cần cả xã hội chung tay giúp đỡ, thật sự yêu thương, chia sẻ, giúp người nghiện điều trị để họ không mặc cảm, tự ti. Đồng thời, thực hiện chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện và gia đình họ được tham gia các chương trình học nghề, vay vốn, có việc làm ổn định và biết tránh xa hiểm họa ma túy. Cần đối xử bình đẳng, không kỳ thị, xa lánh đối với người nghiện và gia đình họ, không nên xem người nghiện ma túy là tội phạm, mà xem họ là người bệnh để yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện, tự lập xây dựng cuộc sống mới.
Tháng hành động phòng, chống ma túy với khẩu hiệu “Cộng đồng chung tay giúp đỡ người nghiện ma túy”, thêm một lần nữa khẳng định công tác phòng, chống ma túy không chỉ riêng của một cấp, một ngành, một cơ quan chức năng nào mà cần sự vào cuộc của cả cộng đồng để có thể thực hiện tổng thể các giải pháp tạo cơ hội cho người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng bền vững. Nhưng sự giúp đỡ đó chỉ có tác dụng khi bản thân người nghiện ma túy tự nhận ra lỗi lầm của mình đối với gia đình, xã hội và chính bản thân mình; điều cốt yếu nhất chính là sự nỗ lực và thật sự quyết tâm cai nghiện của họ./.
Nguyễn Chí Thanh