Thời gian qua, chính quyền các cấp luôn quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội (ASXH), xem đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế bền vững và ổn định chính trị - xã hội.
Các chính sách ASXH góp phần hỗ trợ người dân có việc làm, tạo thu nhập, tham gia thị trường lao động và giảm nghèo, thực hiện kịp thời các chế độ trợ giúp xã hội và bảo đảm tiếp cận dịch vụ cơ bản tối thiểu, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nghèo.
Tuy nhiên, các chính sách ASXH vẫn chưa đáp ứng nguyện vọng của người dân, tỷ lệ thất nghiệp còn cao, hộ nghèo còn nhiều; các chế độ, mức trợ cấp xã hội cho người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế; nguồn lực góp sức cho công tác ASXH còn thấp;...
Nhằm tiếp tục góp sức và thực hiện hiệu quả các chính sách ASXH, các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ khó khăn cùng chính quyền; quan tâm chăm lo cải thiện điều kiện vật chất, tinh thần cho người lao động và tham gia các hoạt động xã hội từ thiện.
Tăng cường huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện để ổn định và phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm mới, hạn chế thất nghiệp, ổn định thu nhập cho người dân.
Đồng thời, chính quyền cần phối hợp doanh nghiệp thực hiện các chính sách và dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ưu tiên vốn tín dụng ưu đãi cho dạy nghề gắn với giải quyết việc làm; tập trung trợ giúp hộ cận nghèo để không tái nghèo và mở rộng chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo về giáo dục, dạy nghề, y tế, vốn tín dụng.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và phương thức tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác ASXH. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển các dịch vụ xã hội cơ bản; tăng cường sự tham gia của các đối tác xã hội trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách hỗ trợ đối với người có công, người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và các hoạt động trợ giúp, cứu trợ tự nguyện nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân gặp rủi ro.
Như vậy, sự quyết tâm và thực hiện đồng bộ các giải pháp là góp sức bảo đảm ASXH để các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ASXH đi vào cuộc sống, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách xã hội./.
Vĩnh Khang