Tiếng Việt | English

30/01/2021 - 09:40

Hàng hóa tết dồi dào, giá cả ổn định

Do dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, việc chuẩn bị nguồn hàng cung ứng Tết Nguyên đán 2021 càng được Sở Công Thương, chính quyền địa phương và doanh nghiệp thực hiện chặt chẽ, chu đáo. Thời điểm này, nguồn hàng chuẩn bị tương đối ổn định với số lượng dồi dào, chất lượng được kiểm soát chặt chẽ.

Lãnh đạo Sở Công Thương, huyện Cần Giuộc khảo sát nguồn cung hàng hóa tại Co.opMart Cần Giuộc

Lãnh đạo Sở Công Thương, huyện Cần Giuộc khảo sát nguồn cung hàng hóa tại Co.opMart Cần Giuộc

Nguồn cung dồi dào

Huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An là địa bàn đông dân cư, do đó, các đơn vị cung ứng, bán lẻ tập trung phát triển khá nhiều như Co.opMart, Co.op Food, chuỗi Bách Hóa Xanh, San Hà và các cửa hàng tiện ích. Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện - Phạm Tấn Lợi khẳng định, với sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp bán lẻ và hệ thống chợ truyền thống như hiện nay, nguồn cung hàng hóa phục vụ tết bảo đảm cho nhân dân mua sắm. Bên cạnh đó, huyện còn chủ động sắp xếp thêm 50 gian hàng cho tiểu thương bán các loại hoa, trái cây, hàng tết. Ngày 04/02/2021 (23 tháng Chạp), tiểu thương bắt đầu tập kết hàng hóa, bán buôn.

Giám đốc Co.opMart Cần Giuộc - Phạm Thị Tuyết Mai cho biết, để phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa tết, đơn vị chuẩn bị lượng hàng tăng 40% so với ngày thường, tăng 20% so với Tết năm 2020. Các mặt hàng ưu tiên dự trữ gồm nhóm hàng lương thực, đồ hộp, thực phẩm đóng gói với giá trị 2,9 tỉ đồng; nhóm hàng thực phẩm tươi sống gồm trái cây, rau, củ, quả, thịt, cá tươi sống với giá trị khoảng 1,2 tỉ đồng; các loại gia vị, nước chấm;... Tổng lượng hàng dự trữ và lưu trữ kho đến thời điểm này khoảng 11 tỉ đồng.

Đại diện hệ thống chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh tại Cần Giuộc chia sẻ, trên địa bàn huyện hiện có 8 cửa hàng với lượng dự trữ hàng hóa trị giá lên đến 20 tỉ đồng. Hiện tại, khoảng 60% rau bán tại các cửa hàng đều khai thác từ Cần Giuộc, 40% từ các địa phương khác.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà - Phạm Thị Ngọc Hà cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, San Hà ưu tiên hàng đầu về dự trữ những mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, các loại nước giải khát, hàng thực phẩm tươi sống, thịt, trứng, lạp xưởng, giò chả,... Trong quá trình cung ứng hàng hóa, San Hà sẽ theo dõi sát thị trường, nhanh chóng bổ sung nguồn hàng thiếu hụt, góp phần bình ổn giá với hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Hiện doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào phục vụ nhu cầu của người dân dịp tết

Hiện doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào phục vụ nhu cầu của người dân dịp tết

Năm nay, San Hà cung ứng ra thị trường gần 700 tấn thịt gà ta Ngọc Hà, 2.300 tấn thịt gà công nghiệp, 600 tấn gà thả vườn, 632 tấn vịt nguyên con, trên 1.400 tấn gà pha lóc các loại. Riêng với thịt heo, San Hà đã làm việc, đặt hàng với nhiều nhà cung cấp như CP, Vissan. Bình quân mỗi ngày, một cửa hàng San Hà tiêu thụ khoảng 1 tấn thịt thì những ngày giáp tết, các cửa hàng sẽ tăng lượng cung ứng gấp 3-5 lần theo nhu cầu khách hàng.

Giá cả ổn định

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên người dân sẽ ít tiêu dùng các loại hàng hóa xa xỉ, chuyển hướng tiêu dùng, dự trữ các mặt hàng thiết yếu, lương thực. Đang mua sắm tại Co.opMart Cần Giuộc, bà Trương Thị Diễm (ngụ thị trấn Cần Giuộc) chia sẻ: “Năm nay, giá hầu hết các mặt hàng thiết yếu không tăng so với năm 2020. Đặc biệt, các chương trình giảm giá, khuyến mãi tại các hệ thống bán lẻ được áp dụng khá sớm, giúp người dân mua sắm tiết kiệm và đầy đủ trong những ngày tết”. Các loại hàng hóa bà Diễm ưu tiên mua sắm là gạo, gia vị các loại và một ít bánh, mứt để dành tiếp đãi khách.

Ngoài lương thực, thực phẩm, nguồn cung về nông sản dịp tết cũng khá dồi dào. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Mỹ Thạnh, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa - Nguyễn Quốc Cường cho biết, năm nay, thời tiết thuận lợi nên nông dân xuống giống nhiều loại rau màu phục vụ tết. Để chuẩn bị cho thị trường tết, HTX tổ chức xã viên trồng các loại rau, quả như khổ qua, dưa leo,… Từ nay đến tết, HTX thu hoạch khoảng 50 tấn các loại, đủ sức cung ứng cho các điểm bán truyền thống của HTX tại Long An cũng như TP.HCM. Hiện tại, giá bán các loại nông sản tại ruộng thấp, khổ qua chỉ ở mức 6.000 đồng/kg, dưa leo, bầu, bí, mướp giá bán ra chỉ 2.000-3.000 đồng/kg,...

Gạo là một trong những mặt hàng được mua nhiều trong những ngày tết. Theo thống kê từ Sở Công Thương, tổng lượng tồn kho trong các doanh nghiệp hơn 200.000 tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân thời điểm cuối năm. Riêng 20 doanh nghiệp lương thực lớn của tỉnh có lượng gạo dự trữ thường xuyên khoảng 5.000-50.000 tấn, tại các cơ sở kinh doanh lương thực khác khoảng 40-1.000 tấn. Riêng Công ty Lương thực Long An, tổng số lượng hàng hóa tồn kho các loại thực tế hiện nay là 13.488 tấn, tổng trị giá trên 141 tỉ đồng. Ngoài ra, công ty còn sản xuất, đóng gói, cung ứng, dự trữ gạo thơm các loại để phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Không riêng Công ty Lương thực Long An, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh gạo trên địa bàn tỉnh đều chú trọng sản xuất gạo với tiêu chí có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng tốt, giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp.

Ngoài lương thực, các mặt hàng nông sản cũng sẵn sàng phục vụ tết

Ngoài lương thực, các mặt hàng nông sản cũng sẵn sàng phục vụ tết

Vào thời điểm này, sức mua đã bắt đầu tăng. Hiện các đơn vị bán lẻ chủ động điều chỉnh kế hoạch phân bổ hàng hóa, bảo đảm lượng hàng cung ứng luôn dồi dào, giá cả ổn định kèm theo nhiều chương trình khuyến mại để người tiêu dùng thoải mái mua sắm.

Ngoài các doanh nghiệp bán lẻ, tiểu thương các chợ truyền thống, các điểm tạp hóa cũng bắt đầu nhập hàng bán tết. Bà Thảo Vy - chủ cửa hàng tạp hóa ở phường 4, TP.Tân An, cho rằng, năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều gia đình bị giảm thu nhập nên cắt giảm chi tiêu; mặt khác, cửa hàng phải cạnh tranh gay gắt với các siêu thị, chợ tự phát, kênh bán hàng trực tuyến nên nhập hàng hạn chế và chủ động kìm giữ giá. Các mặt hàng ưu tiên nhập về là gạo, các loại nước giải khát, gia vị, thực phẩm đóng gói.

Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Anh Việt cho biết, tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, việc chuẩn bị nguồn hàng cung ứng tết càng phải được thực hiện chặt chẽ, chu đáo hơn. Qua khảo sát một số đơn vị cung ứng hàng hóa, nguồn hàng dự trữ nhiều hơn năm 2020 từ 20-30%. Thuận lợi lớn của Long An là gần địa bàn TP.HCM, có nhiều doanh nghiệp tham gia kinh doanh bán lẻ; bên cạnh đó, hệ thống chợ truyền thống cũng đều khắp tỉnh nên không lo sợ thiếu hụt hàng hóa. Sở Công Thương, lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp để kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, điểm bán hàng. Bên cạnh đó, các lực lượng còn tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm nhằm tạo điều kiện cho người dân có thể vui xuân, đón tết an toàn, tiết kiệm./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích