Hàng ngàn du khách tham dự Lễ hội Làm Chay
Ngày 12/2 (nhằm ngày 16 tháng Giêng âm lịch), hàng ngàn người dân địa phương cùng du khách hào hứng về thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An để tham gia Lễ hội Làm Chay.
Trưa ngày 16 tháng Giêng âm lịch, Ông Tiêu được thỉnh về Đình Tân Xuân để chuẩn bị cho nghi thức đốt Ông Tiêu. Mặc dù, hình ảnh Ông Tiêu rất quen thuộc với người dân nơi đây nhưng đông đảo người dân vẫn đến xem mặt Ông Tiêu bởi vì sự có mặt của Ông Tiêu trong lễ hội sẽ giúp họ có thêm niềm tin về cuộc sống bình yên và no ấm.
Du khách hào hứng với Lễ hội Làm ChayĐiều mà mọi người thích nhất và náo nhiệt nhất là màn đánh động, thỉnh thầy. Đây là nghi thức mô phỏng theo truyền thuyết diệt yêu quái của thầy trò Đường Tăng trong truyện Tây Du Ký. Theo hoạt động này, đoàn thỉnh kinh đi khắp các trục đường của thị trấn Tầm Vu và nhiều tuyến Đường tỉnh trên địa bàn huyện, ở mỗi khu vực người dân lập nên một cái động để cúng, sau đó, thầy trò Đường Tăng đến nhằm diệt trừ yêu ma.
Đến 18 giờ, không gian lễ hội bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên. Các ngả đường rực rỡ cờ hoa, dòng người từ các nơi nô nức đổ về trung tâm thị trấn Tầm Vu. Tiếng nhạc, kèn, trống hội cúng tế rộn rã khắp nơi, nhất là tại những các khu vực đặt hang động yêu tinh được trang trí rất tỉ mỉ, khuấy động cả một góc trời.
Khi đánh xong tất cả các động, thầy trò Đường Tăng đến chùa Linh Phước để thỉnh kinh về khu vực hành lễ tại Đình Tân Xuân cầu siêu.
Đúng nửa đêm, nghi thức quan trọng nhất, Lễ xô giàn đốt Ông Tiêu được tiến hành, sau đó, toàn bộ lễ vật người dân phụng cúng được đem chia cho mọi người. Lễ hội Làm Chay kết thúc, một năm lao động làm ăn mới chính thức được mở ra cho người dân nơi đây.
“Đây là lần đầu tiên, tôi được tham dự Lễ hội Làm Chay. Tôi cảm thấy rất vui và hào hứng với các hoạt động trong lễ hội.Tuy nhiên, để lễ hội giữ được sự lành mạnh và ngày càng phát triển hơn, tôi nghĩ cơ quan chức năng cần phải có những giải pháp tổ chức khoa học để tránh tình trạng ùn tắc giao thông; tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, hướng đến những giá trị đích thực của lễ hội. Từ đó sẽ góp phần hình thành văn hóa lễ hội ngày một văn minh hơn tiến bộ hơn." - chị Nguyễn Thị Huệ ở TP. HCM cho biết. |
Người dân háo hức xem màn đánh động
Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành – Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Làm Chay – Nguyễn Dương Phong Linh cho biết: “Với người dân Châu Thành, sau Tết Nguyên đán thì Lễ hội Làm Chay được xem như “cái tết thứ hai” của người dân địa phương. Đây là lễ hội tâm linh cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và ước mong hạnh phúc, bình an của người dân. Trong lễ hội năm nay, huyện chú trọng công tác phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an toàn thực phẩm và đặc biệt là tình hình an ninh trật tự trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.”./.
Trưa ngày 16 tháng Giêng âm lịch, Ông Tiêu được thỉnh về Đình Tân Xuân
"Yêu quái " ở các động chờ thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh ngang qua
Nghi thức mô phỏng thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh trong truyện Tây Du Ký
Du khách xem đánh động
Sau khi Tề Thiên Đại Thánh đánh thắng động, tên động được đốt đi
Hàng ngàn du khách tham dự Lễ hội Làm Chay
Thanh Hiểu
- Ánh lửa đêm giao thừa (21/01)
- Lấy ý kiến nhân dân về việc xét tặng danh hiệu 'Nghệ nhân nhân dân', 'Nghệ nhân ưu tú' (21/01)
- Chuyện cây di sản ở Châu Thành (20/01)
- Đẹp mãi tà áo dài truyền thống (20/01)
- Sôi nổi Hội thi Giọng hát hay Bolero huyện Thủ Thừa lần thứ VII (20/01)
- Hơi ấm đêm xuân (19/01)
- Nhạc sĩ sáng tác về mùa xuân (19/01)
- Lưu giữ nét đẹp thư pháp (19/01)