Tiếng Việt | English

03/04/2017 - 08:30

Hãy chọn nghề phù hợp với sở thích, năng lực học tập

Từ ngày 01/4 đến 20/4/2017, khoảng 1 triệu học sinh lớp 12 trong cả nước làm thủ tục đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Đây cũng là thời điểm, cơ hội để các em chuẩn bị hành trang vào đời.

Sau thời gian tập trung ôn tập và tư vấn hướng nghiệp, các cơ sở giáo dục, trường học trang bị cho học sinh những kiến thức, thông tin cơ bản về kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay. Đặc biệt, thông qua hoạt động hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh giúp các em có những định hướng cho tương lai; nắm vững quy chế, biết thêm những ngành, nghề mới, chỉ tiêu xét tuyển, điểm xét tuyển của những năm trước; dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực trong tương lai; kể cả việc chuẩn bị tâm lý thi cử;... Từ đó, trang bị thêm cho các em kỹ năng, quyết tâm và động lực để chuẩn bị tốt cho kỳ thi.

Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng luôn thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, bởi rất nhiều gia đình có con, em dự thi. Ở nước ta, tâm lý khoa bảng, “trọng thầy hơn thợ” vẫn chi phối đời sống xã hội, các gia đình đều cố gắng cho con, em mình có được tấm bằng đại học để làm hành trang vào đời. Chính vì điều này, kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng bao giờ cũng là nơi thể hiện sự quyết tâm, kỳ vọng của thí sinh và cả gia đình, họ hàng. Điều đó rất tốt, thể hiện tinh thần hiếu học, dân trí ngày càng cao và quyết tâm vươn lên của cả xã hội trên tiến trình hội nhập sâu với yêu cầu và tính cạnh tranh rất cao.

Tuy nhiên, ở một hướng nhìn khác, tâm lý “trọng thầy hơn thợ” cũng có những hệ lụy, thể hiện rõ nhất là hàng chục ngàn thạc sĩ, cử nhân ra trường không tìm được việc làm, có nhiều người phải chấp nhận làm trái ngành, nghề hoặc “giấu bằng” xin vào nhà máy làm lao động phổ thông vì những bức bách của cuộc sống. Rõ ràng, đây là sự lãng phí rất lớn về nguồn nhân lực, thời gian, tiền bạc và cả những cơ hội của tuổi trẻ,...

Tương lai của một con người không hẳn phụ thuộc vào bằng cấp, dù đó là “giấy thông hành” để bước vào đời. Để có một nghề nghiệp, công việc phù hợp với sở thích, năng lực học tập, điều kiện kinh tế của gia đình và nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội, với sự tư vấn của thầy, cô và gia đình, các em học sinh phải suy nghĩ kỹ, nhận thức đúng, đầy đủ về điều đó. Cần tránh những lãng phí khi đi nhầm ngành, nghề, vượt quá sức học hoặc không tìm được việc làm khi ra trường.

Nếu không đủ điều kiện vào giảng đường, chúng ta vẫn có cơ hội phát triển nếu chọn cho mình một nghề tương thích, vẫn có thể sống tốt nếu là người thợ giỏi và yêu nghề. Học tập là việc suốt đời, quan trọng hơn hết là tự học, tự nâng cao trình độ, dám nghĩ, dám làm, dám khởi nghiệp bởi xã hội hiện nay có đủ điều kiện và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đó./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết