Bề nổi của “tảng băng chìm”
Nhiều gia đình tan vỡ, kinh tế kiệt quệ, sức khỏe xuống dốc, đánh mất tương lai vì “dính” vào ma túy. Để có tiền sử dụng ma túy, nhiều người trở thành tội phạm cướp giật, trộm cắp và thậm chí giết người. Tác hại thì đã rõ nhưng nhiều người vẫn khó tránh được sự cám dỗ của ma túy.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, nếu năm 2008, số người nghiện ở tỉnh có hồ sơ quản lý là 1.070 người thì năm 2019 có hơn 2.400 người, trong đó từ 18-30 tuổi chiếm gần 70%. Nguyên nhân là một số thanh niên tuổi đời còn rất trẻ thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình nên bị lôi kéo; một số khác do tò mò, đua đòi, thích cái mới lạ nên dễ bị rủ rê, lôi kéo sử dụng ma túy,...
Cảnh sát tuyên truyền về tác hại của ma túy trong học sinh
Số liệu người nghiện nắm được cũng chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”, còn con số thực tế chắc chắn sẽ nhiều hơn. Những năm qua, công tác cai nghiện và điều trị phục hồi sau cai nghiện cũng được các cấp, các ngành quan tâm. Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được triển khai, thực hiện. Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 cơ sở điều trị bằng Methadone ở TP.Tân An và các huyện: Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức.
Cai nghiện ma túy là quá trình khó khăn, lâu dài. Theo đó, rất cần xã hội chung tay giúp đỡ, thật sự yêu thương, chia sẻ, giúp người nghiện điều trị để họ không mặc cảm, tự ti. Đồng thời, các cấp, các ngành phải quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện và gia đình được tham gia các chương trình học nghề, vay vốn để có việc làm ổn định và tránh xa hiểm họa ma túy. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực, ý chí quyết tâm của chính người nghiện”.
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần
|
Đặc biệt, các ngành: Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tòa án tăng cường phối hợp trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Từ năm 2008 đến nay, ngành chức năng tỉnh đã lập hồ sơ, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gần 4.000 trường hợp. “Khi vào cai nghiện, chúng tôi được phân theo mức độ nghiện và loại ma túy sử dụng, tình trạng sức khỏe để cắt cơn nghiện. Chúng tôi còn được các y, bác sĩ và các ngành tư vấn, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật, được tư vấn tâm lý, tham gia các hoạt động thể thao, lao động,...” - anh N.T.V., cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An (xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa), cho biết.
Khi cai nghiện tập trung, người nghiện ma túy được chữa trị, chăm sóc và được học nghề. Việc cai nghiện tập trung cũng góp phần hạn chế, ngăn ngừa người nghiện thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; tạo cơ hội cho những người nghiện ma túy được chữa trị, chăm sóc sức khỏe, cai nghiện để làm lại cuộc đời và làm giảm lây lan HIV/AIDS ngoài cộng đồng.
Người nghiện đến cai nghiện tại Cơ sở điều trị bằng Methadone ở TP.Tân An
Bên cạnh những hiệu quả trong thực hiện công tác cai nghiện thì vấn đề sau cai nghiện còn nhiều điều đáng lo ngại khi tỷ lệ tái nghiện vẫn cao. Thời gian qua, tại Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An, người tái nghiện quay trở lại cơ sở cai nghiện chiếm hơn 30%. Vì vậy, vấn đề giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện được đặt ra, phân tích để có những giải pháp quan tâm giúp đỡ.
Tại hội nghị về công tác phòng, chống ma túy do UBND tỉnh tổ chức gần đây, khi đề cập về công tác cai nghiện, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần nhấn mạnh, để công tác cai nghiện hiệu quả thì các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân phải hiểu rõ cai nghiện ma túy là quá trình khó khăn, lâu dài. Theo đó, rất cần xã hội chung tay giúp đỡ, thật sự yêu thương, chia sẻ, giúp người nghiện điều trị để họ không mặc cảm, tự ti. Đồng thời, các cấp, các ngành phải quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện và gia đình được tham gia các chương trình học nghề, vay vốn để có việc làm ổn định và tránh xa hiểm họa ma túy. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực, ý chí quyết tâm của chính người nghiện.
Bắt nhiều vụ vận chuyển ma túy với số lượng lớn
Thông tin từ Công an tỉnh, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, đối tượng lợi dụng các địa bàn giáp ranh TP.HCM để hoạt động và ẩn náu. Các đối tượng còn móc nối và liên kết với nhau hoạt động ở nhiều địa phương, hoạt động liên huyện, liên tỉnh và liên kết chặt chẽ với các đối tượng phạm tội khác. Các đối tượng này sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, các tài khoản ngân hàng để trao đổi, mua, bán ma túy, gây khó khăn cho công tác phát hiện, đấu tranh triệt xóa.
Thời gian qua, hoạt động vận chuyển ma túy qua biên giới vào địa bàn tỉnh cũng diễn biến khá phức tạp. Từ năm 2019 đến nay, lực lượng biên phòng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển ma túy với số lượng lớn; trong đó, có vụ thu giữ hơn 70kg ma túy. Cũng có vụ, đối tượng vận chuyển ma túy qua biên giới còn mang theo súng có trang bị đạn.
Một đối tượng vận chuyển, tàng trữ ma túy bị bắt cùng tang vật
Ngoài ra, thời gian qua, ngành chức năng phát hiện nhiều vụ thanh niên nam, nữ sử dụng ma túy tập thể, nhất là trong các quán karaoke ở huyện Bến Lức, Đức Hòa. Thực trạng này khiến dư luận lo ngại về lối sống sa ngã của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Trong cuộc đấu tranh với ma túy, để đạt hiệu quả cao, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, giáo dục và phòng ngừa. Theo đó, lực lượng công an phối hợp các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, tác hại của ma túy trong khu dân cư, trường học, khu, cụm công nghiệp; đồng thời phát huy tin báo tố giác tội phạm, tệ nạn ma túy của người dân,... Công tác tuyên truyền thường xuyên được đổi mới với nhiều hình thức khác nhau như qua truyền thanh, hội họp, tiểu phẩm, hình ảnh trực quan, phát tờ rơi,...
Đại tá Đoàn Văn An - Chính ủy Bộ đội Biên phòng Long An, cho biết: “Nhằm đấu tranh, phòng, chống hiệu quả tội phạm và tệ nạn ma túy, thời gian tới, lực lượng biên phòng tỉnh tiếp tục quán triệt và triển khai, thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, chỉ đạo của cấp trên; đồng thời, chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch chuyên đề, kế hoạch nghiệp vụ và triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, đấu tranh với tội phạm ma túy”.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, địa phương thường xuyên rà soát, nắm bắt các đối tượng nghiện ma túy để có giải pháp quản lý, giúp đỡ cai nghiện. Lực lượng chức năng xác lập các chuyên án, vụ án đấu tranh triệt phá các đường dây, đối tượng phạm tội ma túy. Các lực lượng công an, hải quan và cả lực lượng bên nước bạn Campuchia thực hiện tốt công tác phối hợp đấu tranh, phòng, chống ma túy,…
Theo Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh, Công an tỉnh thường xuyên chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm và bắt giữ, triệt xóa các ổ nhóm tội phạm, đối tượng tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ma túy trái phép. Trong đó, công tác kiểm tra các quán kinh doanh karaoke và phát hiện, xử lý hành vi tàng trữ, sử dụng ma túy trái phép tiếp tục được tăng cường./.
Báo động tình trạng giới trẻ tụ tập sử dụng ma túy tập thể
Gần đây, tối ngày 06/6/2020, Công an huyện Bến Lức kiểm tra đột xuất một căn nhà trên Đường tỉnh 830, thuộc ấp 3, xã An Thạnh, phát hiện có 16 đối tượng dương tính với ma túy. Tại cơ quan điều tra, những thanh niên này khai nhận, trước đó dự tiệc sinh nhật của một người trong nhóm. Sau tiệc, cả nhóm rủ nhau tập trung tại căn nhà trên để sử dụng ma túy.
23 giờ 30 phút, ngày 07/6/2020, Công an huyện Đức Hòa phối hợp Công an xã Hựu Thạnh kiểm tra quán karaoke Nhã Phương (ngụ ấp 2, xã Hựu Thạnh). Tại thời điểm kiểm tra, quán có 10 phòng đang hoạt động với 62 khách. Qua kiểm tra nhanh, có 42 thanh niên tuổi từ 18-25 tuổi dương tính với ma túy. Tang vật thu giữ gồm 5 bộ dụng cụ sử dụng ma túy.
2 vụ việc trên và nhiều vụ việc khác tương tự xảy ra trong thời gian qua là hồi chuông báo động về tình trạng giới trẻ tụ tập sử dụng ma túy tập thể, nhất là trong các quán karaoke.
|
Lê Đức