Tiếng Việt | English

06/10/2020 - 08:35

Hệ lụy từ rượu, bia

Việc lạm dụng rượu, bia trong các bữa tiệc, liên hoan,... đã gây tác hại rất lớn cho sức khỏe con người. Đây cũng là một trong những trở ngại đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Thông điệp “Đã uống  rượu, bia thì không lái xe”  được tuyên truyền rộng rãi

Thông điệp “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”  được tuyên truyền rộng rãi

Tăng cường tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm, trong đó có nguyên nhân người lái xe đã uống rượu, bia. Sau mỗi vụ tai nạn là rất nhiều hệ lụy, bi kịch đến với bản thân người gây ra tai nạn, người bị nạn, đến các gia đình và gây tổn thất xã hội. Người có lỗi sẽ bị pháp luật xử lý hoặc có khi không còn tính mạng để nhận ra lỗi của mình. Vậy, người bị nạn, gia đình, người thân họ có lỗi gì mà phải gánh chịu hậu quả quá lớn do người xa lạ gây ra? Câu hỏi đó chắc hẳn sẽ ẩn chứa trong mỗi người. Và chắc chắn, không ai muốn bản thân, người thân mình là nạn nhân trong một vụ TNGT. 

Thượng tá Huỳnh Văn Châu - Phó Trưởng Công an huyện Tân Trụ, cho biết: “Thời gian qua, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an huyện xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các khung giờ, các khu vực thường xảy ra vi phạm để tập trung xử lý,… Từ đầu năm 2020 đến nay, Công an huyện đã xử lý 119 vụ vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông và xử phạt trên 518 triệu đồng. Ngoài ra, Công an huyện còn tăng cường tuyên truyền qua hình ảnh video tại nơi đăng ký 113 lượt, có hơn 2.860 người tham dự và các điểm trường trên địa bàn”. 

“Thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đơn vị nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ nói chung cũng như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nói riêng đến mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó, giúp người tham gia giao thông tiếp cận, hiểu và thực hiện đúng các quy định trong văn bản luật vừa được ban hành, góp phần kéo giảm các tiêu chí về TNGT trên toàn tỉnh, nhất là các vụ TNGT liên quan đến rượu, bia” - Thượng tá Huỳnh Văn Châu cho biết thêm.

Lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên địa bàn

Lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên địa bàn

Tại Cần Đước, từ đầu năm 2020 đến nay, Công an huyện lập biên bản 56 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông và giữ 56 phương tiện, xử phạt trên 260 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 27 trường hợp. Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng, bên cạnh công tác tuyên truyền của ngành Công an, huyện chỉ đạo các đoàn thể tăng cường tổ chức cuộc vận động sâu, rộng trong cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng thực hiện “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”, trong đó, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu gương hành động. Ngành chức năng phối hợp chặt chẽ công tác tuần tra, xử lý vi phạm với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân điển hình; phê bình, kỷ luật các tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy định; tuyệt đối không can thiệp hoặc để xảy ra can thiệp làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm, dẫn đến các hành vi tiêu cực trong thực thi công vụ.

Nâng cao ý thức

Việc triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đang được sự ủng hộ cao của đại đa số người dân. Nhiều người cho rằng, việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia đang trở thành thói quen đối với một số cá nhân, do đó, luật này đi vào cuộc sống sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, trước tiên là giảm thiểu được số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn gây ra.

Lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông

Lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông

“Lái xe khách là công việc mưu sinh của tôi đã hơn 10 năm. Điều quan trọng đầu tiên là tôi phải bảo vệ tính mạng mình thì mới bảo vệ được hành khách. Chính vì vậy, bao nhiêu năm qua, khi cầm vô lăng, tôi hoàn toàn không đụng đến một giọt bia, rượu” - anh Hồ Khắc Như, ngụ xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ, chia sẻ. “Pháp luật không nghiêm cấm bạn uống rượu, bia nhưng nếu đã lái xe thì tuyệt đối không! Đừng để một cuộc vui quá trớn trên bàn nhậu gây nên những tai nạn thương tâm với hậu quả nặng nề. Ý thức về sự an toàn của chính bản thân và những người khác khi tham gia giao thông là trách nhiệm mà một tài xế cần hình thành và tuân thủ” - đó là chia sẻ của nhóm các bác tài huyện Tân Trụ.

Vì bản thân, gia đình mình và vì cộng đồng, xin hãy trân trọng sự an toàn và sinh mạng khi tham gia giao thông! Xin hãy cùng nhau truyền đi thông điệp “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” để thông điệp nhân văn này đi vào cuộc sống, bất cứ ai cũng được bình an “đi đến nơi, về đến chốn”, không còn những vụ TNGT đau lòng và những sinh mạng không còn phải chết bất thình lình và tức tưởi trong các vụ TNGT do những người cầm lái gây ra sau khi uống rượu, bia./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết


Các loại ballantines ngonMua vang đỏ ý nhập khẩu chính hãng Vang đỏ Bộ sưu tập champagne Red Apron