Mặc dù là tỉnh đang trên đà phát triển công nghiệp nhưng Long An có nhiều tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Một bộ phận lớn cư dân nông thôn vẫn sống bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi,những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh hình thành những vùng chuyên canh hiệu quả như trồng thanh long, chanh, rau màu, lúa,… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, tích cực xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh lương thực,…
Mặc dù các cấp chính quyền, sở, ngành chức năng quan tâm kết nối cung - cầu nhưng đầu ra nông sản vẫn còn nhiều khó khăn, phụ thuộc thương lái, nhất là thị trường Trung Quốc đối với trái thanh long,... Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có gần 12.000ha trồng thanh long, trong đó diện tích cho trái trên 9.500ha, năng suất 321,5 tạ/ha, sản lượng gần 310.000 tấn, tập trung chủ yếu tại các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa và TP.Tân An. Trước những diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do COVID-19 gây ra, để phòng dịch, việc thông thương hàng hóa sang Trung Quốc phải đình trệ, các đối tác thu mua thanh long không nhận hàng, nhiều đơn hàng bị hủy. Trong khi đó, thanh long đang vào vụ thu hái, lượng thanh long tồn kho rất lớn, nông dân rất lo lắng,… Ngoài ra, một số nông sản khác cũng khó tìm được đầu ra và giá thu mua hợp lý.
Tình hình này báo động đến mức tỉnh phải nhờ bộ, ngành Trung ương và doanh nghiệp can thiệp, “giải cứu” thanh long. Lãnh đạo tỉnh đã kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ tiền điện chạy kho lạnh; hỗ trợ lãi suất vốn vay cho doanh nghiệp thu mua, bảo quản và xuất khẩu nông sản; xem xét thành lập Trung tâm Phân phối sản phẩm nông sản tại thị trường Trung Quốc làm đầu mối giao dịch với doanh nghiệp trong nước nhằm hạn chế rủi ro; khảo sát, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu nông sản khác ngoài Trung Quốc,… Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương thường xuyên cung cấp thông tin, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu thanh long tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc để kịp thời điều tiết; tiếp tục đàm phán phía Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường đã đến khảo sát thực tế thu mua trái cây trên địa bàn tỉnh Long An. Ông nhấn mạnh đến hiệu quả của việc tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách đồng bộ, nhất là mặt hàng rau, quả. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhiều lợi thế, chiếm đến 60-70% tổng lượng xuất khẩu về quả của Việt Nam; tỉnh Long An phát triển cây ăn trái đạt hiệu quả cao, nhất là cây thanh long. Cuộc làm việc này cũng đóng góp sáng kiến, đồng hành phát triển nông nghiệp Việt Nam một cách bền vững, chủ động, hiệu quả.
Theo thông tin báo chí, tại phiên họp toàn thể vào chiều ngày 12/02 ở Strasbourg (Pháp), Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (hiệp định EVFTA). EVFTA là cơ hội lớn cho Việt Nam mở được cánh cửa lớn vào thị trường EU, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như thanh long, xoài, chôm chôm, bưởi, sầu riêng,... Đây là một tín hiệu vui cho nông dân nói chung và người trồng thanh long ở Long An nói riêng. Thị trường EU rất lớn, Việt Nam có năng lực xuất khẩu mạnh mẽ vào châu Âu ở nhóm hàng thủy sản, trái cây (cả tươi lẫn chế biến). Nhưng đây cũng là thị trường có tiêu chuẩn rất cao, là một thách thức với nhà nông Việt Nam. Để bảo đảm đủ yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này, chúng ta cần thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến cho đến lưu thông, phân phối tới người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nông dân và các doanh nghiệp cũng phải phát triển thương hiệu, đẩy mạnh các sản phẩm đặc thù, đặc sản để nâng được lợi thế của hàng Việt Nam so với hàng nhập khẩu. Chúng ta cần tìm cách vượt qua được hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm và bảo hộ sở hữu trí tuệ; các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm phải nâng lên GlobalGAP.
Một khi EVFTA được thông qua, không chỉ có thị trường truyền thống Trung Quốc, chúng ta còn đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu lớn nhằm giảm thiểu rủi ro.
Hiệp định EVFTA là sự nỗ lực lớn của Việt Nam, thực sự là tin vui, tạo cơ hội cũng như những thách thức cho nông nghiệp Việt Nam, trong đó có Long An./.
Tân An