“Trái ngọt”
Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có vai trò quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH, hàng năm, cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng ĐTM của tỉnh Long An tập trung lãnh đạo, chỉ đạo người dân phát triển chăn nuôi và trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao như chanh, bưởi, mai vàng, khoai, khóm,... và nhiều mô hình nuôi, trồng thủy sản mang lại hiệu quả cao.
Nhiều mô hình nuôi thủy sản mang lại hiệu quả cao
Theo Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thuận Bình (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) - Bùi Văn Khắp, chanh là một trong những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, lợi nhuận từ 100-300 triệu đồng/ha/năm. Hiện HTX có 33 thành viên, tổng diện tích trồng chanh 120ha. Không những mang lại thu nhập cao cho người trồng, cây chanh còn giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động ở địa phương với thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Hiện toàn huyện có hơn 310ha chanh, trong đó có 184ha đang cho trái, năng suất trung bình 15 tấn/ha/năm.
Ông Nguyễn Văn Thiên, ngụ xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An là một trong những người đầu tiên mang cây mai về trồng trên vùng đất này. Ông Thiên cho biết: “Hiện toàn xã có gần 10ha mai vàng, trong đó có gần 8ha chuẩn bị thu hoạch. Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng lúa nhưng thường xuyên bị chuột, bọ, rầy,... gây hại nên thu nhập rất thấp. Sau một lần đi tham quan trồng cây cảnh ở Vĩnh Long, tôi quyết định chuyển hẳn 1,5ha lúa sang trồng mai”. Vườn mai của ông Thiên có gần 1.000 gốc, trong đó, một số gốc mai có giá trị rất lớn, hơn 100 triệu đồng/gốc. Ông Thiên so sánh, trồng mai lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Trung bình 1ha đất, nông dân trồng khoảng 600 gốc mai. Sau 5 năm chăm sóc, bán với giá trung bình trên 2 triệu đồng/gốc mai, nông dân thu được hơn 1 tỉ đồng. Trong khi đó, lúa mỗi năm chỉ trồng được 2 vụ, lợi nhuận khoảng vài chục triệu đồng/năm.
Chủ tịch UBND xã Long Thạnh - Bùi Thanh Tuấn thông tin: “Hiện toàn xã có 2.800ha đất nông nghiệp. Trước đây, người dân chủ yếu trồng tràm và lúa nhưng do hiệu quả kinh tế mang lại không cao nên mạnh dạn chuyển đổi sang trồng mai vàng, thanh long, đu đủ,... Nhìn chung, ngoài cây mai vàng mang lại hiệu quả kinh tế cao, những cây trồng khác đang trong quá trình thử nghiệm. Quan điểm của xã là chỉ chọn những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao để tuyên truyền, vận động người dân phát triển, không chuyển đổi tràn lan, nhằm bảo đảm đầu ra và lợi nhuận cho nông dân”.
Tại huyện Vĩnh Hưng, vài năm trở lại đây, nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây ăn trái. Đặc biệt, mô hình trồng xen canh các loại cây ăn trái có múi như bưởi, cam, quýt,... bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho nông dân. Anh Nguyễn Tấn Dũng, ngụ xã Khánh Hưng, chuyển đổi hơn 5ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có múi. Hiện vườn cây ăn quả của anh được gần 2 năm, đang bước vào giai đoạn thu hoạch đợt đầu tiên. Theo anh Dũng, thấy nhiều người ở địa phương trồng cây ăn quả có lợi nhuận cao nên anh quyết định đầu tư. Mặc dù đây là vụ thu hoạch đầu tiên nhưng sản lượng và chất lượng rất khả quan. Theo ước tính, vụ này, anh thu hoạch được khoảng 7 tấn bưởi da xanh, cam xoàn và quýt đường.
Chuyển đổi cây trồng bước đầu mang lại hiệu quả
Ngoài chuyển đổi một số cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều địa phương vùng ĐTM của tỉnh còn chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá tra bột. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: Hiện vùng ĐTM có hơn 2.880ha nuôi cá tra bột, tập trung chủ yếu ở các huyện: Tân Thạnh, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, năng suất ương cá tra bột trên địa bàn trung bình đạt 10 tấn/ha/vụ. Giá bán dao động từ 45.000-47.000 đồng/kg đối với loại cá cỡ 30-40 con/kg. Lợi nhuận trung bình 200 triệu đồng/vụ. Ông Võ Văn Dương, ngụ xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, cho biết: “Gia đình tôi có 0,7ha ao nuôi cá tra bột. Tôi được các kỹ sư nông nghiệp của huyện hướng dẫn sử dụng men vi sinh để xử lý nước nên có thể bảo đảm chất lượng nước trong ao. Đến nay, ao cá tra bột của gia đình tôi phát triển rất tốt. Ước tính, đến khi thu hoạch, lãi trên 500 triệu đồng”.
Cũng như ông Dương, anh Nguyễn Văn Thiêm, ngụ xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, chuyển đổi từ 2ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi cá tra giống. Anh Thiêm cho biết: “Sau hơn 1 năm nuôi cá tra giống, lợi nhuận mang lại cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa. Trung bình 1ha mặt nước nuôi cá tra giống cho thu hoạch gần 20 tấn cá, lợi nhuận trên 500 triệu đồng. Thời gian tới, tôi tiếp tục chuyển đổi 4ha đất lúa kém hiệu quả còn lại sang nuôi cá tra giống”.
Theo Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Huỳnh Hải, thời gian qua, trên địa bàn huyện xuất hiện các mô hình sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá như lúa ứng dụng công nghệ cao, nhân giống lúa, trồng bưởi da xanh, nuôi bò vỗ béo, nuôi heo thịt, ương cá tra bột, nuôi cá tra thương phẩm, cá trê vàng,... giúp tăng thu nhập, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người dân và góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện. Tuy nhiên, người dân sản xuất còn mang tính tự phát nên chưa được hỗ trợ kịp thời; đồng thời, trình độ áp dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế, năng suất, chất lượng đạt chưa cao.
Chuyển đổi cây trồng bước đầu mang lại hiệu quả
Để đạt hiệu quả bền vững
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện, dù đạt nhiều kết quả tích cực, song theo đánh giá, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn các huyện, thị xã vùng ĐTM của tỉnh thời gian qua còn chậm và chưa vững chắc. Năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi tuy tăng khá nhưng chất lượng còn hạn chế; chưa hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn. Nhiều địa phương có quy hoạch vùng chuyển đổi nhưng việc thực hiện chưa tốt. Hầu hết các mô hình chuyển đổi còn nhỏ, lẻ, manh mún. Việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả chưa cao,...
Để tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tránh tình trạng “được mùa - rớt giá” và phát triển bền vững, các địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân trồng, nuôi những cây, con có hiệu quả kinh tế cao và áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đối với các vùng cây ăn quả, vùng nuôi thủy sản đã được định hình tại các huyện sẽ tập trung đào tạo, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật để tạo ra sản phẩm tốt nhất.
Song song đó, ngành nông nghiệp hỗ trợ nông dân về thông tin thị trường, đặc biệt chú trọng xây dựng chuỗi liên kết làm “cầu nối” để nông dân và doanh nghiệp liên kết với nhau, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; xây dựng thương hiệu sản phẩm mang tính đặc thù cho từng địa phương,... Đồng thời, địa phương tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp, hình thành những vùng chuyển đổi tập trung, tạo khối lượng hàng hóa lớn, đủ điều kiện xây dựng cơ sở chế biến - tiêu thụ sản phẩm ngay tại địa phương để chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả bền vững và chất lượng./.
Huỳnh Phong