Tiếng Việt | English

06/10/2015 - 14:57

Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm công nghệ mới

Về xã Phước Vĩnh Tây hôm nay, mọi người sẽ không khỏi bất ngờ trước những thay đổi của vùng đất mặn, ngọt hai mùa này. Từ một xã nghèo ở vùng hạ của huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, Phước Vĩnh Tây hôm nay đã khoác lên mình tấm áo mới của sự vượt khó vươn lên, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Bà con nơi đây cho biết, đời sống được ấm no như hôm nay là nhờ thực hiện mô hình nuôi tôm bằng công nghệ nano bạc.

Đầm nuôi tôm ứng dụng công nghệ nano bạc

Xã Phước Vĩnh Tây là 1 trong 7 xã vùng hạ của huyện Cần Giuộc có diện tích tự nhiên 1.615ha. Đời sống nhân dân trước đây gặp nhiều khó khăn do đất đai, khí hậu nơi đây trồng lúa không đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ khi có Nghị quyết 18 của Tỉnh ủy Long An về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai từng vùng thì chính quyền nơi đây đã mạnh dạn phát động nhân dân trong xã chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi tôm.

Đến nay, có 1.050 hộ chuyển sang nuôi tôm, chiếm 65.78% so với hộ nông nghiệp và có 850ha lên đầm nuôi tôm, chiếm 77,27% diện tích đất nông nghiệp.

Từ khi chuyển đổi đất trồng sang nuôi tôm, đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Từ một xã nghèo, hưởng chế độ 135 của chính phủ, có 374 hộ nghèo vào năm 2004 thì đến nay chỉ còn 164 hộ nghèo.
Ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, cho biết: “Kết cấu hạ tầng nông thôn được người dân nuôi tôm trúng mùa đóng góp xây dựng, các tuyến đường liên ấp được trải đá xanh, hương lộ 12 được người dân đóng góp kéo điện thắp sáng ban đêm,...”.

Tuy nhiên, do người dân vẫn quen dùng các loại thuốc kháng sinh diệt khuẩn truyền thống bán trên thị trường để xử lý ao nuôi tôm trước khi thả và khi tôm mắc bệnh nên tôm vẫn bị bệnh dẫn đến chết nhiều.
Trước tình hình tôm chết hàng loạt ở nhiều nơi khiến người nuôi tôm điêu đứng, Sở Khoa học và Công nghệ Long An đã nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm mô hình ứng dụng công nghệ nano bạc trong nuôi tôm thẻ chân trắng tại 2 xã Phước Lại, Phước Vĩnh Tây ( huyện Cần Giuộc ) và đã có hiệu quả.

 Anh Công Đức bên đầm tôm của mình.

Anh Công Đức (ấp 2, xã Phước Vĩnh Tây) chia sẻ: “Tôi từng nghĩ mất hết gần 2.000m2 nuôi tôm rồi đó chứ! May mắn là được hướng dẫn ứng dụng công nghệ nano bạc nên tỷ lệ tôm sống cao, bán được giá. Vụ tôm nghịch giá năm nay, nhờ được chọn làm mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ nano bạc, nhà tôi thoát cảnh “một ăn hai thua””.

Công nghệ nuôi tôm bằng ứng dụng nano bạc là giải pháp hữu hiệu trong xử lý môi trường nước nuôi tôm đang bị ô nhiễm tại các vùng nước nguy hiểm. Khi sử dụng nano bạc thì tế bào của hơn 650 vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt chỉ trong 5 phút dưới tác động của hạt nano bạc.

Ông Nguyễn Công Bình - kỹ sư thủy sản, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc cho biết: “Huyện đã thử nghiệm mô hình nuôi tôm bằng ứng dụng công nghệ nano bạc tại 2 xã Phước Lại và Phước Vĩnh Tây. Nano bạc là chất được khai thác và phát triển bằng công nghệ tiên tiến hàng đầu mang nguyên lý kháng khuẩn, tiệt trùng siêu mạnh”./.

CTV Duy Phong

 

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích