Nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách
Những năm qua, các chương trình tín dụng CSXH được bổ sung ngày càng đa dạng, được thiết kế thành hệ thống chính sách đồng bộ, hỗ trợ đa chiều, giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của người nghèo, đối tượng chính sách.
Trong đó, nhóm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo luôn được quan tâm bố trí nguồn vốn cho vay đầy đủ nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Một số đối tượng không đủ điều kiện vay vốn tại các ngân hàng thương mại như học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, người chấp hành xong án phạt tù, người lao động chưa có việc làm,... cũng được tạo điều kiện vay nguồn vốn tín dụng CSXH.
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cần Giuộc luôn tạo mọi điều kiện để người được vay vốn tín dụng chính sách xã hội
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về việc “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH”, 10 năm qua, nguồn vốn tín dụng CSXH được tỉnh chú trọng triển khai, thực hiện nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn của gần 386.000 hộ nghèo, đối tượng chính sách với tổng số tiền giải ngân hơn 11.700 tỉ đồng. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn giai đoạn 2011-2015 từ 7,37% xuống còn 2,98% và chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 còn 0,75% (tính đến hết năm 2023); giúp 133/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhiều người đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, xây dựng được nhà cửa khang trang
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh - Nguyễn Thị Ánh Hồng, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng CSXH có sự chuyển biến tích cực, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng CSXH.
Đặc biệt, việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã làm thành viên Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH cấp huyện đã góp phần quan trọng trong quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả của tín dụng CSXH và phát triển KT-XH tại địa phương.
Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo ưu tiên dành một phần ngân sách địa phương ủy thác nguồn vốn qua Ngân hàng CSXH để cho vay gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Tổng nguồn lực huy động để thực hiện tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh đạt gần 6.020 tỉ đồng, tăng 3.870 tỉ đồng (180%) so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Quy mô tín dụng được mở rộng, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã giúp 27.000 hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững; hỗ trợ 488 hộ nghèo và hộ dân trên cụm, tuyến dân cư vượt lũ xây dựng nhà ở; hỗ trợ 574 người có công với cách mạng và người có thu nhập thấp xây mới, sửa chữa nhà, mua nhà ở xã hội; đồng thời, có 325.000 công trình nước sạch và vệ sinh được xây mới, cải tạo; 68.000 lượt lao động vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; 29.000 lượt hộ gia đình vay vốn cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để học tập; 37 người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện sản xuất, kinh doanh, hòa nhập tốt với cộng đồng.
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh - Nguyễn Văn Một và đại diện Phòng Giao dịchNgân hàng Chính sách xã hội huyện Cần Đước (bìa phải) kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của hội viên cựu chiến binh
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai cho biết: “Việc triển khai, thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền.
Nguồn vốn tín dụng CSXH thực sự phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế việc cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, cải thiện đời sống và phát triển kinh tế người dân. Qua đó, đóng góp tích cực trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH theo nghị quyết của đảng bộ và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh”.
Mang lại hiệu quả thiết thực
Thông tin từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cần Giuộc, 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh số cho vay đạt hơn 108 tỉ đồng (bằng 171,58% so cùng kỳ năm 2023) với 2.295 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó, cho vay mới 27 hộ nghèo, 60 hộ cận nghèo, 221 hộ mới thoát nghèo để sản xuất, kinh doanh với số tiền hơn 17,5 tỉ đồng; hỗ trợ cho vay mới 93 hộ gia đình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ 909 hộ gia đình xây dựng 812 công trình nước sạch, 993 công trình vệ sinh; tạo việc làm và duy trì, mở rộng việc làm cho 475 lao động;...
Trước khi thành lập Công ty TNHH Túi xách Thiên Phúc Anh (huyện Cần Giuộc) như hiện nay, anh Phan Hồng Trung (ấp 1, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc) có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất đồ da.
Sau nhiều năm tích cóp, anh Trung mở được 1 cơ sở may và 2 cửa hàng bán lẻ cho riêng mình. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã gây ra những khó khăn không nhỏ cho việc kinh doanh của anh. Với số vốn hạn hẹp, anh gặp rất nhiều áp lực trong việc duy trì sản xuất và trả lương cho công nhân.
Với sự hỗ trợ nhiệt tình từ cán bộ Đoàn xã Long Hậu, anh Trung được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện. Số tiền vay 50 triệu đồng vào năm 2021 và 100 triệu đồng vào năm 2023 giúp anh giải được “bài toán” nan giải về vốn, ổn định sản xuất và mở rộng quy mô kinh doanh. Nhờ nguồn vốn này, công ty của anh không ngừng phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, anh còn tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động địa phương với mức thu nhập khá.
Thành công của anh Trung không chỉ là câu chuyện về sự nỗ lực, dám nghĩ, dám làm mà còn là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH. Anh Trung chia sẻ: “Các thủ tục vay vốn rất đơn giản, lãi suất lại thấp hơn so với các ngân hàng thương mại. Nhờ có nguồn vốn này, tôi đã yên tâm đầu tư vào sản xuất, không còn phải lo lắng về vấn đề tài chính. Hy vọng rằng sẽ có nhiều người được tiếp cận nguồn vốn này để phát triển kinh tế, cùng nhau xây dựng quê hương”.
Cũng giống như anh Trung, chị Lê Thị Thu Cúc (ấp Chánh, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức) lập nghiệp thành công nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH.
Trước đây, chị Cúc làm nghề may giỏ xách, rồi dịch Covid-19 khiến cuộc sống của chị gặp nhiều khó khăn. Tình cờ xem được thông tin về trồng rau thủy canh trên mạng, chị Cúc nảy ra ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh rau sạch. Tuy nhiên, vốn liếng eo hẹp trở thành rào cản lớn cho chị.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, chị Lê Thị Thu Cúc (ấp Chánh, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức) đã khởi nghiệp thành công với vườn rau sạch
Chị Cúc được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Hiệp hỗ trợ và được vay vốn tín dụng CSXH 40 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bến Lức vào năm 2021. Với số tiền này, chị mua sắm các thiết bị cần thiết để xây dựng mô hình trồng rau thủy canh tại nhà.
Ban đầu, chị chỉ trồng thử nghiệm một giàn rau. Nhận thấy mô hình này mang lại hiệu quả cao, rau sạch, chất lượng tốt, chị quyết định tăng quy mô sản xuất. Năm 2024, chị Cúc tiếp tục vay thêm 100 triệu đồng để mở rộng việc kinh doanh của mình.
Đến nay, khu vườn của chị có diện tích 200m2 trồng rau thủy canh kết hợp với thổ canh. Chị Cúc chia sẻ: “Với tôi, việc được vay vốn tín dụng CSXH thật sự có ý nghĩa rất lớn, nguồn vốn đã giúp tôi vượt qua khó khăn. Nhờ có nguồn vốn này, tôi tự tin đầu tư vào một mô hình sản xuất mới, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình”.
Sau 10 năm, các nội dung của Chỉ thị số 40-CT/TW đã đi vào đời sống xã hội, hoạt động tín dụng CSXH đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh./.
|
Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương do đã làm việc với Tỉnh ủy Long An về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 về “ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.
|
Khánh Duy - Thu Thảo