Tiếng Việt | English

07/07/2016 - 09:53

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững

Toàn tỉnh Long An hiện có hơn 7.200 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó, phần lớn là DN nhỏ và vừa. Theo đánh giá của các ngành chức năng, lực lượng này là một trong những trụ cột giúp tăng trưởng của nền kinh tế. Để DN nhỏ và vừa ngày càng phát huy vai trò, nội lực, nhiều chính sách hỗ trợ đã và đang được xây dựng, triển khai nhằm hỗ trợ lực lượng này phát triển bền vững.


Một công đoạn sản xuất cọc bêtông ly tâm của Công ty Cổ phần Bêtông ly tâm Thủ Đức - Long An

Nhiều chính sách hỗ trợ

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh - Nguyễn Văn Tiều cho biết: Thời gian qua, Chính phủ có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp thực tế nhằm thúc đẩy DN nhỏ và vừa phát huy nội lực. Để đồng bộ các chủ trương mà Chính phủ đưa ra, Long An xây dựng các chính sách hỗ trợ cụ thể, có trọng tâm, thiết thực, hiệu quả, khơi thông các rào cản, hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp, phát triển, sáng tạo. Các chính sách được cụ thể hóa và triển khai nhằm hỗ trợ DN như: Chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa,... Hầu hết các chương trình này được DN quan tâm và ủng hộ, đăng ký tham gia.

Là một DN nhỏ, Công ty (Cty) TNHH MTV TMDV Sen Vàng (gọi tắt là Sen Vàng) bắt đầu đi vào sản xuất năm 2008 với sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Lúc mới hoạt động sản xuất, sản phẩm trên của Sen Vàng bán ra chỉ ở một vài tỉnh, thành thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ban đầu, nhà xưởng sản xuất của Sen Vàng ở phường 7, TP.Tân An. Do nhu cầu của thị trường, Cty mở rộng sản xuất tại Khu công nghiệp Lợi Bình Nhơn (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) vào tháng 10-2015. Sau khoảng 8 năm đi vào sản xuất, đến nay, sản phẩm của Sen Vàng có mặt ở nhiều tỉnh vùng Tây nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Vừa qua, Sen Vàng được hỗ trợ kinh phí 60 triệu đồng từ Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Long An) trong việc xác nhận công bố hợp quy sản phẩm phân bón vô cơ và phân bón hữu cơ. Đây là nguồn kinh phí thuộc Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đổi mới công nghệ đối với DN nhỏ và vừa tỉnh Long An giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020” do Sở Khoa học và Công nghệ Long An quản lý.

Giám đốc Cty Sen Vàng - Huỳnh Thị Hồng Loan cho rằng, DN nhỏ luôn đối mặt nhiều khó khăn, trong đó có nguồn vốn. Tuy nguồn vốn hỗ trợ từ Sở Khoa học và Công nghệ chưa nhiều nhưng đây là động lực tinh thần, cũng là giấy thông hành giúp DN đủ khả năng cạnh tranh, tồn tại bền vững trong giai đoạn có khá nhiều chủng loại phân bón trong nước và ngoài nước trên thị trường.

Ngoài nhà máy tại phường 7, tại nhà máy sản xuất ở Khu công nghiệp Lợi Bình Nhơn, Sen Vàng đầu tư khá nhiều trang thiết bị mới như: Máy phối trộn, máy khoáy sệt, hệ thống chiết rót dạng nước. Riêng máy ép ra hạt phân được Sen Vàng chuẩn bị nguồn vốn để tiếp tục đầu tư. Bà Hồng Loan cho biết thêm, hiện tại, sản phẩm bán ra trên thị trường tăng gần 60% so với những ngày đầu thành lập.

Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh - Huỳnh Ngọc Trân cho biết: Thời gian qua, dự án trên mang lại hiệu quả thiết thực cho DN thông qua chương trình đăng ký mã số mã vạch, chứng nhận hợp quy và sáng chế từ Cục Sở hữu trí tuệ. Đây cũng là một trong những điều kiện giúp DN khẳng định được tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm làm ra và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.


Khâu đóng gói phân bón tại Công ty TNHH MTV TMDV Sen Vàng

Phát huy nội lực để phát triển bền vững

Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ thông qua các chương trình, thời gian qua, DN luôn được khuyến khích trí sáng tạo, đổi mới để sản xuất ra những sản phẩm độc đáo, có giá trị gia tăng cao cũng như có thể tồn tại, cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Và thực tế, tại Long An, không ít DN thành công trong việc đổi mới, sáng tạo làm ra sản phẩm mới phục vụ sản xuất, đời sống.

Cty Cổ phần Bêtông ly tâm Thủ Đức-Long An (xã An Thạnh, huyện Bến Lức) chuyên sản xuất cọc bêtông ly tâm (gọi tắt là cọc) phục vụ các công trình xây dựng nhà cao tầng, cao ốc, văn phòng tại Long An từ năm 2007.

Phó Giám đốc Cty Cổ phần Bêtông ly tâm Thủ Đức-Long An - Ngô Trường Huy cho biết, trước đây, Cty không sản xuất được loại cọc lớn, chỉ sản xuất cọc có đường kính tối đa 0,7-0,8 mét. Hầu hết các sản phẩm cọc có đường kính lớn hơn 0,8 mét đều phải mua từ nước ngoài. Trước nhu cầu về cọc có đường kính lớn của các công trình xây dựng ngày càng cao, vốn là kỹ sư cơ khí, ông Trường Huy và các nhân viên của mình nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm cọc có đường kính 1 mét, dài 30 mét. Thời gian để nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm mất 1 năm 3 tháng.

Khi nghiên cứu và đưa vào ứng dụng sản xuất cọc có đường kính 1 mét, Cty đăng ký và được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) cấp giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn JIS A 5373:2004 vào tháng 5-2016. Ông Trường Huy phấn khởi nói: “Từ lúc Cty sản xuất được sản phẩm này thì năng lực được nâng lên, có thể tham gia các gói thầu lớn và đặc biệt tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, Cty sản xuất được sản phẩm này thì thị trường có cơ hội để lựa chọn nhiều nhà thầu trong nước hơn, dẫn đến giá thành cạnh tranh hơn”.

Sản phẩm cọc đường kính 1 mét do Cty Cổ phần Bêtông ly tâm Thủ Đức-Long An sản xuất là sản phẩm đặc chủng chỉ áp dụng cho các công trình đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao. Sản phẩm có nhiều tính năng vượt trội như khả năng kháng uốn, kháng nứt cao hơn so với loại cọc đúc tại công trường; khả năng chống thấm, chống ăn mòn phù hợp cho môi trường nước biển; đặc biệt, giá thành sản phẩm rẻ hơn 30% so với nhập khẩu;...

Hiện tại, mỗi ngày, Cty sản xuất khoảng 300 sản phẩm cọc các loại. Riêng từ khi nghiên cứu sản phẩm cọc có đường kính 1 mét, Cty hoàn thành 350 cọc và phục vụ công trình xây dựng Cảng biển hành khách quốc tế Phú Quốc. Sản phẩm này vừa được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo năm 2016.

Ngoài ra, Cty cũng nghiên cứu và ứng dụng sản xuất thành công cọc kè sông nhằm phục vụ dự án chống xâm nhập mặn. Sản phẩm này được cung cấp để phục vụ dự án chống ngập và xử lý nước thải tại TP.HCM.


Để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững nhiều chính sách hỗ trợ đã và đang được xây dựng

Thiếu vốn và lao động vẫn là khó khăn lớn

Tuy nhiên, theo nhiều DN nhỏ và vừa, khó khăn lớn nhất của họ vẫn là nguồn vốn và thiếu hụt lao động.
Giám đốc Cty TNHH Hòa An (phường 5, TP.Tân An) - Lưu Quốc Thấm cho biết: Hàng năm, Cty chế biến khoảng 3.000 tấn hạt điều thô, tuy nhiên chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Khó khăn lớn của Cty là vốn để mua nguyên liệu, trang thiết bị hiện đại trong sản xuất, sản phẩm vẫn còn ở dạng thô, chưa gia tăng được chuỗi giá trị sản phẩm.

Thiếu hụt lao động cũng là nguyên nhân lớn trong nhiều DN nhỏ và vừa, nhất là ngành may mặc. Hiện nay, nhiều Cty chuyên ngành may mặc có đơn hàng nhiều nhưng lao động có tay nghề thiếu hụt dẫn đến Cty e ngại khi ký kết hợp đồng hoặc lo ngại trễ hợp đồng,...

Theo các ngành chức năng, các biện pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa nhìn chung vẫn chưa đáp ứng hết mong muốn của DN, bởi nguồn vốn còn hạn chế. Theo đề xuất, thời gian tới, biện pháp hỗ trợ DN cần được tăng cường thêm nguồn vốn theo hướng đồng bộ, kịp thời và đúng mục đích.

Ngoài ra, để DN nhỏ và vừa phát triển bền vững, theo Giám đốc Sở Công Thương - Đặng Văn Lớp, trong Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp, thương mại tỉnh Long An giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành Công Thương đặt mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp chính phát triển bền vững. Điều này cần sự liên kết giữa các DN nhỏ và vừa cũng như liên kết với các DN lớn để tạo ra hệ thống quy trình sản xuất nhằm đạt các tiêu chuẩn cho xuất khẩu, tạo chuỗi sản xuất lớn để có thể nhận những đơn hàng lớn. Bởi hiện tại, DN nhỏ và vừa chưa có liên kết trong quá trình sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng.

Hiện Sở Công Thương tỉnh tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý chung về phát triển DN; giúp DN nhỏ và vừa tháo gỡ khó khăn về sản xuất; hỗ trợ tiếp cận nguồn cung tài chính; thực hiện các chương trình hỗ trợ: Mặt bằng sản xuất cho các DN đầu tư vào cụm công nghiệp; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cung ứng lao động thông qua chương trình khuyến công; đổi mới công nghệ, máy móc trong sản xuất; xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư,... ./.

Thanh Tùng

Chia sẻ bài viết